Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo cơ quan này, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Trong trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
“Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính nêu.
Trước đó, theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Các hiệp hội, địa phương cũng đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu. Các chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ô tô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh.
Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.
Với đề xuất chính sách kích cầu lần này, theo các hiệp hội, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm bớt áp lực dòng tiền và có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.