Để giữ sức khỏe trong thời tiết nóng bức, bạn nên tránh ngồi trên gỗ ướt, ăn đồ để lâu, uống nước đá, tắm nước lạnh hay giữ tâm trạng ủ rũ…
Uống nước lạnh vào mùa Hè không tốt cho sức khỏe. (Nguồn: Medical News Today) |
Ngồi trên gỗ ướt
Tục ngữ có câu: “Mùa Hè không ngồi gỗ, mùa Đông không ngồi đá”.
Vào mùa Hè, nhiệt độ cao, mưa nhiều, độ ẩm cao, những chiếc ghế gỗ đặt ngoài trời lâu ngày chứa nhiều nước hơn, khi phơi nắng, nhiệt độ tăng lên khiến ghế tỏa nhiệt và độ ẩm.
Vì thế, nếu ngồi lâu trên ghế gỗ dễ có nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, thấp khớp và viêm khớp…
Không mở cửa sổ để thông gió
Vào mùa Hè, thời tiết nóng bức, nhiều gia đình phải sử dụng điều hòa để làm mát không khí.
Tuy nhiên, nếu dùng điều hòa mà không mở cửa sổ để thông gió, chất lượng không khí kém đi, dễ sinh bệnh tật.
Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, một ngày nên mở cửa sổ 2-3 lần, mỗi lần ít nhất 30 phút.
Ăn đồ thừa để lâu
Vào mùa Hè, thức ăn thừa nếu để ở nhiệt độ thường lâu dễ bị ôi thiu, sinh ra chất độc hại, trường hợp nhẹ có thể gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, nặng có thể bị ngộ độc thực phẩm và các vấn đề tiêu hóa khác.
Uống nước quá nhanh
Mùa Hè thời tiết nóng bức dễ khiến cơ thể đổ mồ hôi và nhanh khát nước. Tuy nhiên, ít người biết thói quen cầm cốc nước lên và uống một hơi dù làm dịu cơn khát nhưng hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Nguyên nhân do cách uống này khiến nước nhanh đi vào máu, làm thể tích máu tăng lên, dễ tăng gánh nặng cho tim, gây ra các triệu chứng như tức ngực, khó thở…
Đối với những người có chức năng tim kém, uống nước nhanh còn có thể gây ra những cơn đau thắt ngực, thậm chí suy tim.
Uống nước lạnh
Thói quen uống nước mát lạnh vào mùa Hè thực ra không tốt như bạn nghĩ. Sau khi một lượng lớn đồ uống lạnh đi vào đường tiêu hóa, nó sẽ cản trở nhu động bình thường của dạ dày, dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, có thể gây ra hội chứng ruột kích thích và những khó chịu khác.
Tắm nước lạnh
Tuy tắm nước lạnh có thể giúp hạ nhiệt nhanh chóng khi trời Hè nóng bức, sự kích thích của nước lạnh khiến các mạch máu co lại nhanh chóng, có thể làm huyết áp tăng lên và lượng máu cung cấp cho tim không đủ.
Đối với một số người có thể chất không tốt, tắm nước lạnh dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản cũng như các bệnh về đường tiêu hóa.
Không nghỉ trưa
Vào mùa Hè, ngày dài đêm ngắn, nhiều người dần cảm thấy ngủ không đủ giấc vào ban đêm. Sau một buổi sáng học tập và làm việc bận rộn, tình trạng suy kiệt về thể lực và sức lực khó tránh khỏi.
Vì vậy, giấc ngủ ngắn buổi trưa Hè đóng vai trò then chốt giúp tinh thần minh mẫn, phòng chống bệnh tật và giữ gìn sức khỏe.
Không nên chỉ ăn một loại thực phẩm
Nhiều người có triệu chứng đắng miệng vào mùa Hè, do nắng mệt nên thường chỉ ăn một số loại rau củ quả để no bụng. Điều này khiến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, lâu dần dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch.
Vì vậy, dù thời tiết có nóng nực đến đâu, bạn cũng nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng thịt nạc, cá, sữa đậu nành, trứng… một cách hợp lý.
Để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
Nhiều người thích bật điều hòa cả đêm để ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp và bật suốt đêm có thể dẫn đến suy giảm chức năng của trung tâm điều hòa nhiệt độ trong cơ thể, gây tắc nghẽn lưu thông máu trên bề mặt cơ thể, dễ bị cảm lạnh, đau đầu, nghẹt mũi, liệt mặt và các hiện tượng khác.
Tâm trạng không tốt
Trong ngày Hè, duy trì tính cách lạc quan, hướng ngoại có lợi cho âm khí và dương khí trong cơ thể, giúp tâm trí sảng khoái, tinh thần phấn chấn.
Tâm trạng uể oải, mệt mỏi, tức giận và u uất cản trở dòng khí lưu thông, phiền muộn sẽ biến thành “hỏa” và càng làm tổn thương dương khí, khiến âm dương mất cân bằng.
Do đó, vào mùa Hè, bạn nên điều chỉnh cảm xúc một cách hợp lý, duy trì tâm trạng vui vẻ, thoải mái, khiến cơ thể trôi chảy.