“Hồi nhỏ mình ước mau lớn để được đi ra khỏi cánh cổng làng. Giờ lại trông đến cuối tuần để được về quê, đi lại trên đường làng” – bạn tôi hoài niệm. Tôi đồ rằng, thuở nhỏ, những đứa con của làng ai chẳng từng ước ao bước chân ra khỏi làng quê để đến với thế giới rộng lớn bên ngoài. Để rồi tới một lúc nào đó, cũng chính những đứa con xa quê ấy lại mong được quay về với làng.
Làng Bàu Tròn quê tôi thuở ấy làm gì có cổng làng, mà hầu như nhiều làng quê xứ Quảng thuở ấy đều không có cổng đồ sộ như bây giờ. Cổng chào nối giữa làng và cánh đồng. Cổng chào nhỏ, nhưng với người dân làng tôi, hoặc ít ra là với đứa trẻ như tôi thuở ấy, đặc biệt vô cùng.
Ví dụ những ngày tôi trông nhà cho mẹ đi làm, tới gần trưa hoặc chạng vạng là tôi ra đường ngóng mẹ. Thấy bóng mẹ vác cuốc hay quảy đôi mủng về tới cổng chào, là coi như mẹ đã… về tới nhà (!).
Những hôm mẹ tôi đi chợ cũng vậy. Đến chừng nửa buổi là tôi ra ngõ lót lá chuối hóng mắt về phía cổng chào. Tôi “mừng như mẹ đi chợ về” khi thấy mẹ tôi cắp cái mủng bên hông bước chân tới cổng chào. Cổng chào luôn là chỉ dấu của làng. Tới mùa mưa lụt, người làng tôi hay hỏi thăm nhau “nước tới cổng chào chưa”, hoặc báo tin “nước giựt ra tới cổng chào rồi”.
Sau này lớn lên, tôi và bạn bè đi xa, mỗi khi về tới cổng chào, không nói ra nhưng luôn coi như đã… về tới nhà. Cảm xúc nôn nao hồi hộp thật khó tả. Bởi tôi biết, phía sau cổng làng là những tấm lòng nồng hậu của bà con chòm xóm, họ tộc, của người thân luôn sẵn sàng chờ đón những đứa con của làng. Cũng vậy, mỗi khi có người rời làng đi học, đi làm ăn ở xa – chủ yếu là phương Nam, thì người thân lại bịn rịn tiễn nhau đến chỗ cổng chào rồi mới chia tay.
Trong tập sách “Ngõ phố đời người”, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính khi nói về cái cổng làng, đã viết: “Cổng làng không chỉ là cột mốc, không chỉ là lính canh. Cổng làng còn là cái sự xưng danh, là cái “tôi” của mỗi làng”.
Mà cũng thiệt đúng, đằng sau mỗi cổng làng là bao ngôi nhà hiền lành, bình dị với những nếp sống, tập tục, nếp sinh hoạt riêng. Có lẽ vì thế nên dù hai ngôi làng kề nhau, nhưng lại có những nét văn hóa khác nhau.
Làng quê tuy nhỏ và ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, nhưng tấm lòng người quê luôn rộng mở, để chào đón bước chân của những đứa con của làng. Và cái cổng làng – dù chỉ là cái “cổng chào” đơn sơ hay một cái “cổng” được xây dựng nguy nga bề thế vững chãi, vẫn cứ là “chỉ dấu” của làng, là cái “cột mốc” đặc biệt, là “dấu nhấn” của yêu thương trong lòng mỗi con người…