Ngày 3.7, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Một số vấn đề được các doanh nghiệp bán lẻ nêu trong đơn là chưa nhận được khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ và Thông tư 104 của Bộ Tài chính và Phó thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét hoàn trả… Đơn kiến nghị nêu: “Quy định không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản này ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành”.
Thế nên, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị nghị định sửa đổi cần phải quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, ghi rõ giá bán buôn tối đa, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, ngay từ đầu năm nay, tại Chỉ thị 03, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Kế đó, cuối tháng 2, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao Bộ Công thương chủ trì, khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xăng dầu và nhấn mạnh “không chậm trễ”. Gần đây, ngày 17.4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ về việc đảm bảo chi phí, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu và trả lời cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Ngày 15.5, các doanh nghiệp bán lẻ đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và 95 về xăng dầu không trễ hơn quý 2/2023.
Tuy nhiên, đến nay đã hết quý 2, chỉ đạo khẩn trương của Phó thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành liên quan vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Đặc biệt, cả hai Bộ Công thương và Tài chính vẫn chưa phản hồi về việc xem xét hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo chỉ đạo của Phó thủ tướng.
Thế nên, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước “xin đề nghị được gặp vào báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; kiến nghị các nội dung cần thiết phải sửa trong nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng…”.
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công thương cũng đưa ra một số điểm mới như: cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống 7 ngày, doanh nghiệp được chủ động về giá bán…