Trung Quốc ký nhiều hợp đồng mua khí hóa lỏng (LNG) để đảm bảo nguồn cung trong nước hoặc bán cho nước khác khi nhu cầu nội địa yếu.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ các công ty quốc doanh ký hợp đồng mua dài hạn, thậm chí đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ xuất khẩu, nhằm củng cố an ninh năng lượng.
Quốc gia này đang trên đà trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm nay. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về mua khí LNG thông qua hợp đồng dài hạn, theo số liệu của Bloomberg.
Trung Quốc không muốn lặp lại tình trạng thiếu năng lượng, họ cũng cần kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hợp đồng LNG dài hạn hấp dẫn do có giá tương đối ổn định so với hợp đồng giao ngay.
“An ninh năng lượng luôn là ưu tiên với giới chức Trung Quốc. Nguồn cung dồi dào sẽ giúp họ xử lý các biến động trong tương lai. Tôi cho rằng họ còn mua nhiều nữa”, Toby Copson – Giám đốc Giao dịch và Tư vấn tại Trident LNG nhận định.
Trung Quốc bắt đầu tăng tốc ký hợp đồng dài hạn từ năm 2021, khi quan hệ với Mỹ có cải thiện. Dù nhập khẩu năm ngoái lao dốc, do nhu cầu yếu đi vì lệnh phong tỏa, các công ty Trung Quốc vẫn là động lực cho thị trường khi châu Âu giảm mua khí đốt Nga.
Năm ngoái, việc giá khí đốt tăng cao và các nước cạnh tranh mua LNG khiến Trung Quốc nhận thấy cần có nguồn cung ổn định. Một trong các phương án là đa dạng hóa nhập khẩu để ngăn nguồn cung gián đoạn vì yếu tố chính trị.
Tháng trước, công ty quốc doanh CNPC ký hợp đồng khí đốt 27 năm với Qatar, đồng thời tham gia vào một dự án khổng lồ của nước này. ENN Energy Holdings cũng ký hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với hãng năng lượng Mỹ Cheniere Energy. Cả hai hợp đồng này dự kiến bắt đầu từ năm 2026.
Nhiều hợp đồng khác đang trong giai đoạn đàm phán. Các hãng quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ. Các công ty nhỏ hơn như Zhejiang Provincial Energy Group và Beijing Gas Group cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận.
Riêng Qatar đã tham gia vào vài cuộc đàm phán với các doanh nghiệp Trung Quốc, với các hợp đồng có thể kéo dài hơn 20 năm. Sinopec cũng đang xem xét đầu tư vào một dự án khí đốt ở Arab Saudi, Bloomberg hồi tháng 5 cho biết.
Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng hàng chục cảng nhập khẩu LNG mới. Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhập khẩu của nước này được dự báo lên 138 triệu tấn năm 2033, gấp đôi mức hiện tại.
“Khoảng nửa nhu cầu LNG của Trung Quốc giai đoạn 2030 – 2050 chưa có hợp đồng cung cấp”, Rystad cho biết.
Dù vậy, Trung Quốc đang tăng cường sản xuất khí đốt trong nước. Nguồn cung từ Nga cũng dự báo tăng cao khi các đường ống mới được xây xong. Vì thế, Xie Xuguang – nhà kinh tế tại CNOOC – tháng trước cảnh báo các cảng LNG của Trung Quốc có thể bị bỏ không thường xuyên.
Năm 2021, Trung Quốc thiếu điện trên diện rộng vì thiếu than. Sản lượng thủy điện năm 2022 lao dốc cũng làm chậm lại tăng trưởng kinh tế. Giải pháp của họ là tăng khai thác trong nước và nhập khẩu kỷ lục than năm ngoái.
Hiện tại, họ cũng muốn làm điều tương tự với khí đốt. Bắc Kinh thúc giục các đại gia năng lượng tăng sản xuất, giảm chi phí khai thác để tự chủ nguồn cung. Dù vậy, “khi các đường ống chưa được xây xong, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải tìm nguồn cung từ thị trường LNG”, Michal Meidan – Giám đốc nghiên cứu tại Viện Năng lượng Oxford nhận định.
Trung Quốc càng ký nhiều thỏa thuận, họ càng có quyền lực trên thị trường LNG toàn cầu. Nước này hiện đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng thị trường. Khi nhu cầu trong nước yếu, họ bán lại khí đốt cho nước cần.
“So với các nước mua nhỏ, các quốc gia mua số lượng lớn có khả năng đàm phán tốt hơn. Vì thế, việc Trung Quốc liên tục ký hợp đồng dài hạn là quyết định rất logic”, Xi kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)