1. Phát biểu khai mạc tọa đàm, Cục trưởng Cục TDTT, Phó chủ tịch UBOVN Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có truyền thống quan hệ lâu đời, láng giềng hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực TDTT. Hai bên thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ châu lục, trao đổi đoàn lãnh đạo, cán bộ quản lý, các đoàn vận động viên tham dự những giải thể thao quốc tế được tổ chức ở mỗi nước. Đặc biệt, là một cường quốc thể thao của thế giới, Trung Quốc đã tạo điều kiện, giúp đỡ Việt Nam trong công tác đào tạo vận động viên và hỗ trợ cử chuyên gia giỏi huấn luyện tại Việt Nam, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam những năm qua.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VOV 

Tại cuộc tọa đàm, phía Trung Quốc đã chia sẻ một số biện pháp cải cách TDTT, nhiều văn bản, chính sách thúc đẩy ngành thể thao đã được ban hành và thực thi. TDTT không chỉ trở thành chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là trọng tâm để cải thiện “chỉ số hạnh phúc” và chất lượng sống của nhân dân Trung Quốc. Trong 10 năm qua, sự hội nhập và phát triển của ngành thể thao và các ngành khác tại Trung Quốc đã trở thành những yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến sự tương quan, bổ trợ giữa ngành thể thao và các ngành khác như: Thể thao và du lịch, thể thao và văn hóa, thể thao và giáo dục, thể thao và công tác chăm sóc người cao tuổi… với những đặc thù riêng biệt đã giúp nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành lĩnh vực thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi của vận động viên, việc sắp xếp việc làm sau khi giải nghệ không chỉ giúp cải thiện lợi ích cho vận động viên mà còn tăng cường phát triển đội ngũ chuyên môn/chuyên gia của thể thao nước nhà. Bằng cách khắc phục về mặt tâm lý cũng như đời sống cá nhân, các vận động viên mới yên tâm cống hiến cho sự nghiệp TDTT, qua đó cố gắng thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Vào tháng 9-2023, thể thao điện tử (ESport) sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 ở Hàng Châu. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường ESport, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các dự án ESport của Trung Quốc đang được phát triển mạnh mẽ và dẫn đầu trên thế giới.

Đánh giá về hiệu quả của cuộc tọa đàm, ông Đặng Hà Việt khẳng định: “Đây là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia. Sự kiện này là cơ hội thuận lợi để hai nước tiếp tục tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi về lĩnh vực mới trong quản lý, phát triển thể thao, phong trào Olympic tương lai… góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao tinh thần thể thao của hai nước theo khẩu hiệu nổi tiếng của Ủy ban Olympic quốc tế, đó là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, cùng nhau”.

MINH CHIẾN