Bên cạnh các quỹ mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng cũng là một cách để giới khởi nghiệp tìm kiếm nguồn tài chính. Gọi vốn cộng đồng là hình thức kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để giúp chủ một dự án hay người nghĩ ra một ý tưởng hoàn thành khi không có tiền để thực hiện.
Để khuyến khích đóng góp, chủ dự án tặng cho người ủng hộ những món quà lưu niệm hoặc ưu đãi khi mua sản phẩm. Phần tiền ủng hộ thực chất có thể xem là tiền đặt mua sản phẩm trước khi chúng ra đời. Vì mua trước và tồn tại rủi ro có thể không nhận được sản phẩm, tiền đặt mua thường thấp hơn giá thị trường từ 30% – 50%.
Hiện, gây quỹ cộng đồng đang khá phổ biến trên thế giới.
Indiegogo là một trong những nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng dành cho những người khởi nghiệp, sáng tạo. Thành lập năm 2008, nền tảng này hỗ trợ các dự án tiếp cận với các nhà đầu tư kêu gọi vốn thông qua sự giúp đỡ từ những cá nhân, cộng đồng.
Indiegogo là trang gây quỹ cộng đồng lớn nhất do không giới hạn lĩnh vực, cho phép kêu gọi vốn ở mọi dự án, ý tưởng với nhiều mục đích khác nhau.
Indiegogo có 15 triệu người dùng thường xuyên từ 224 nước và vùng lãnh thổ mỗi tháng, giúp kêu gọi tài trợ cho hơn 800.000 ý tưởng trên khắp thế giới. Tỷ lệ thành gọi vốn thành công đạt 47%. Nền tảng này tính phí cho dự án gây quỹ thành công.
Tại Indiegogo, để gọi vốn thành công, ý tưởng thường phải mang tính đột phá và khác biệt. Misfit là ví dụ cho chiến dịch gọi vốn cộng đồng thành công khi tung ra Shine – thiết bị thông minh đeo trên người để theo dõi, đo đạc các chỉ số sức khỏe. Sau 10 giờ đăng tải trên Indiegogo, dự án đạt được con số là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD.
Tại Việt Nam, đa phần các chiến dịch gọi vốn cộng đồng đều liên quan tới công nghệ, các sản phẩm tái chế thân thiện môi trường, hoặc xuất bản sách.
Thực tế, Indiegogo này áp dụng cho tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, miễn là ý tưởng đó khả thi và đủ sức hút đối với cộng đồng.
Hai hình thức gọi vốn được áp dụng là linh hoạt và cố định. Với hình thức linh hoạt, chủ dự án vẫn được đóng góp vốn khi không đạt được con số kỳ vọng ban đầu. Còn với hình thức cố định, chủ dự án chỉ nhận được tiền khi chạm mốc mục tiêu đưa ra.
Những người đứng ra kêu gọi vốn sẽ phải mất một phần chi phí cho Indiegogo, thường là 5% tổng số tiền mà nhận được, chưa kể các phí khác.
Lợi thế từ việc gọi vốn cộng đồng là không yêu cầu người sáng lập phải bán cổ phần của công ty. Hầu hết các chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên thực tế đều dưới hình thức bán trước sản phẩm.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, phương thức này hiệu quả với các dự án có một sản phẩm hữu hình, trong giai đoạn gần kết thúc dự án R&D (nghiên cứu và phát triển), cần một nguồn vốn nhất định để sản xuất đại trà mà không cần phải gọi vốn từ các nhà đầu tư và các quỹ khác.
Chiến dịch gọi vốn cho chiếc scooter chạy điện của ông Sonny Vũ bắt đầu từ khoảng tháng 5/2021. Theo kế hoạch dự kiến, chiếc scooter bàn giao đến tay các nhà góp vốn từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều người nhận được sản phẩm. Trước khi bị ngừng, chiến dịch Scotsman scooter đã thu hút được tổng số tiền gần 565.000 USD từ hơn 300 người dùng ủng hộ dự án. |