Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay của nước ta tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Theo các chuyên gia, để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% của cả năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp và linh hoạt.
Theo các chuyên gia, để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% của cả năm là thách thức rất lớn. |
Không cao nhưng không bất ngờ, không quá tiêu cực
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng GDP 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao, nhưng không bất ngờ và không quá tiêu cực trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, nhiều quốc gia tăng trưởng thấp và tăng trưởng âm. Với mức tăng trưởng này, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng thế giới vẫn dự báo mức tăng trưởng mà nước ta có thể đạt được trong cả năm nay là trên dưới 6,5%.
“Khi ta nhìn con số này ở một góc độ khác, có thể thấy được sự nỗ lực của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong 6 tháng qua, để thấy được những điểm tích cực hơn. Đó cũng là cơ sở để ta kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn trong quý 3 và quý 4 năm nay.
Tiêu dùng trong nước, được thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa tiêu dùng vẫn giữ được mức tăng khá khoảng 6,5%. Với tốc độ này, tổng tiêu dùng trong nước trong năm nay có thể đạt 250 tỷ USD, sẽ đóng góp rất nhiều để bù đắp cho xuất khẩu”, Tiến sỹ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD. 6 tháng qua, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 37,2 tỷ USD giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh khó khăn chung, lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thủy sản vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của nước ta với mức tăng 3,07%. Kết quả này có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Ngành nông nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế-xã hội.
“Các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có nhiều nỗ lực duy trì mức ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đáp ứng tiêu dùng của dân cư, đầu vào cho sản xuất công nghiệp. Chúng tôi cũng đang định hướng cùng với Bộ Nông nghiệp tính toán tác động lan tỏa từ sản xuất sản phẩm của nông nghiệp đến ngành công nghiệp cũng như đến toàn bộ nền kinh tế, để thấy vai trò lớn hơn của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế đất nước”, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản, Tổng Cục thống kê cho biết.
6 tháng đầu năm, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707.500 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509.900 lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Chúng ta nghe thấy thông tin công bố về lãi suất ngân hàng giảm từ phía lãi suất điều hành cũng như từ phía lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chưa thấy thông báo cụ thể về lãi suất giảm của các tín dụng cho vay. Đây mới là điều quan trọng và là mục đích cao nhất và cuối cùng của việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu lãi suất cho vay mà trên 10% thì các doanh nghiệp sẽ không dám vay hoặc nếu vay sẽ rất khó khăn để trả nợ”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định.
Thách thức rất lớn
Bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.
“Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối để có thêm thông tin từ Tổng cục Hải Quan để có phân tích thêm về tình hình xuất nhập khẩu và làm rõ thêm chúng ta phải chuẩn bị kịch bản như thế nào trong bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế của một số quốc gia trên thế giới chưa thể khôi phục được ngay và rất khó đoán định. Để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay thì những tháng cuối năm sẽ phải tăng 6-7-8-9%. Đây sẽ là thách thức rất lớn”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê lo ngại.
Mục tiêu quan trọng nhất được xác định trong những tháng cuối năm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách vĩ mô khác. Thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu; xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến, giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, liên quốc gia và hạ tầng đô thị lớn. Xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công.