Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã và đang là cơ hội để truyền thông lan tỏa, đó là một trong những điều kiện để mở rộng dân chủ. Thế nhưng, không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt, bịa đặt những tình tiết về các vụ việc hòng “câu view”, “câu like”, hướng lái dư luận và mục đích cuối cùng chính là nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kiếm tiền từ mạng xã hội, thậm chí là chống phá Đảng, Nhà nước.
Người dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác trước các thông tin giả trên không gian mạng.
Còn nhớ trong đại dịch COVID-19, câu chuyện của vị bác sĩ tên Trần Khoa sau khi đăng tải trên mạng xã hội với nội dung về hình ảnh vị bác sĩ này đã rút máy thở của mẹ mình để nhường máy thở, sự sống cho sản phụ giường bên cạnh. Sau khi được đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt “like”, chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, xác minh sự việc, cơ quan an ninh đã kết luận đây là những thông tin giả mạo và không có thật ở Việt Nam. Nhưng nhiều bình luận lại có quan điểm cho rằng đây là câu chuyện nhân văn, cần lan tỏa cũng không sao. Tuy vậy, bản chất của người đăng tải câu chuyện này lại không nhằm mục đích nhân văn mà chính là lợi dụng câu chuyện để thu hút cộng đồng, lòng tốt của mọi người để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và ai có lòng thương thì lại bị đặt sai chỗ, tiếp tay cho kẻ xấu. Nguy hiểm hơn việc đăng tải câu chuyện này gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, gây hoang mang trong Nhân dân và có cái nhìn bi quan về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh.
Hay như tại Hà Nội xuất hiện câu chuyện được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội facebook. Người viết tự nhận là người trong cuộc và chia sẻ rằng buổi chiều vừa ăn cơm xong thì thấy một nam thanh niên ăn mặc rách rưới, dáng người yếu ớt, xiêu vẹo trước cửa. Nam thanh niên thều thào hỏi chủ nhà: “Cô còn chút cơm thừa canh cặn nào cho cháu ăn, cháu chết đói mất”. Chủ nhà hỏi chuyện thì cháu kể năm nay 18 tuổi, quê Thanh Hóa, đi làm phụ hồ cùng anh trai 21 tuổi, cả hai thuê trọ và từ hôm Hà Nội giãn cách đến nay đã tuần lễ nhưng không có miếng gì lót bụng. Cô chủ nhà thấy vậy liền pha mì tôm cho hai thanh niên và không quên tặng kèm ít gói nữa để đi đường. Ngay khi câu chuyện đăng tải kèm hình ảnh hai thanh niên ăn mì tôm (bức ảnh bị che mặt), hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận bày tỏ thương cảm.
Trong đại dịch, thực tế có rất nhiều câu chuyện thương cảm xảy ra và cũng đầy ắp tình người. Hình ảnh những người đi xin ăn vốn dĩ không hiếm nhưng đưa ra hoàn cảnh hai thanh niên thất thểu vào nhà xin “cơm thừa, canh cặn” lại là câu chuyện khác. Và sự thật đã hé lộ khi phần cuối người kể chuyện kết luận rằng: “Thủ tướng nói “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, vậy mà ngay giữa Thủ đô lại để người dân cả tuần không có gì lót bụng”. Từ đó đưa ra lời lẽ phê phán, chỉ trích Chính phủ, cho rằng người dân đừng tin gì Chính phủ, chính quyền!.
Thủ đoạn của các đối tượng xấu là tung những hình ảnh, những câu chuyện mà nghe qua tưởng như “tình người trong hoạn nạn”, từ đó đánh vào lòng trắc ẩn, sự thương xót, bi ai của con người trong đại dịch. Tuy vậy, đây chỉ là thủ đoạn “che mắt” bởi khi các đối tượng bịa đặt càng bi thương, càng xót xa thì càng lấy nước mắt nhân sinh để gieo thù hận lên chính quyền. Từ đó, các thế lực xấu sẽ lợi dụng những câu chuyện, hình ảnh bi đát này để bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả được tung ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể nhằm vụ lợi nhưng cũng có thể chỉ để được lan truyền rộng khắp nhằm “câu view”, “câu like” trên mạng xã hội. Qua theo dõi và sàng lọc, VAFC phân loại các loại tin giả xuất hiện theo các nhóm thông tin gồm: Tin giả về y tế, sản phẩm y tế liên quan đến sức khỏe con người; tin giả về chính sách, pháp luật; kinh tế, tài chính; thiên tai, dịch bệnh; an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tài khoản giả mạo; đường link lừa đảo và các lĩnh vực khác.
Tùy theo mức độ, VAFC phân chia tin giả thành hai mức độ, gồm những thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống và những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có cơ sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Theo đó, không như quan niệm của một số người cho rằng tin giả chỉ mang nội dung tiêu cực thì hiện đang có xu hướng tin giả mang cả nội dung tích cực, nhân đạo và cũng đang được phát tán, lan truyền sâu rộng.
Theo các cơ quan chức năng, không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, mạng xã hội tại Việt Nam đang là “mảnh đất màu mỡ” giúp tin giả phát triển. Và nhiều ý kiến cảm thấy lo ngại khi nhiều tin giả ở Việt Nam khá đơn giản mà vẫn lừa được khá nhiều người, nhất là hiện nay trên các trang mạng xã hội vẫn liên tục xuất hiện những thông tin rất vô lý nhưng nhiều người vẫn xuýt xoa, phẫn nộ, mừng vui thật dễ dàng rồi còn kêu gọi bạn bè cùng trao đổi.
Thực tế, trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội, nhưng cũng không loại trừ rất nhiều những rủi ro đã, đang và sẽ còn tiềm ẩn trên mạng xã hội. Bản chất của mạng xã hội không xấu, xấu hay không là ở chỗ, cách thức chúng ta đang sử dụng mạng xã hội như thế nào. Từ những thông tin đã nêu, cho thấy, giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng để mỗi công dân trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái, có “sức đề kháng” và khả năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin giả mạo, bịa đặt là giải pháp cơ bản, quan trọng. Do vậy, đừng vội vàng chia sẻ, bình luận, lan truyền hình ảnh, thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là dạng thông tin, hình ảnh chạm vào nỗi đau thương, mất mát, bi ai, trắc ẩn của con người bởi “khuất trong bóng tối” vẫn luôn có những kẻ xấu đang dùng chiêu bài tung tin giả đánh vào nhân tâm, vào nước mắt người dân nhằm gieo rắc tâm lý bất an và kích động chống phá đất nước.
Bài và ảnh: Lê Phượng