Giải thích về hiện tượng mưa lớn diện rộng liên tục trong những ngày qua, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Theo quy luật thông thường thì gió mùa tây nam là yếu tố quyết định mùa mưa ở Nam bộ, bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 5 và mạnh nhất trong tháng 7. Nên tháng 7 là tháng mưa nhiều nhất. Sau đó vào tháng 8 lại xảy ra một đợt hạn ngắn gọi là “hạn bà chằn”. Đến tháng 9 – 10, gió và mưa nhiều trở lại.
Đợt mưa hiện nay là do rãnh thấp xích đạo hay cũng có thể gọi là dãy hội tụ nhiệt đới, đi ngang Nam bộ và hướng lên khu vực miền Trung. Trong dãy hội tụ này có những ổ mây giông, nhờ gió mùa tây nam hoạt động mạnh đẩy mây vào đất liền gây mưa to vào những ngày cuối tuần. Hiện tại, gió đang yếu dần đến thứ 4 của tuần tới nên mưa ở Nam bộ sẽ giảm về lượng nhưng diện vẫn rộng, từ thứ năm trở đi gió lại mạnh lên gây mưa lớn trên diện rộng đến cuối tuần sau.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 7, lượng mưa tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 – 15%, riêng một số nơi vùng núi phía Bắc ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung và Nam Trung bộ ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn từ 5 – 10%, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Gió mùa tây nam ở miền Nam nhiều khả năng gây ra nhiều ngày có mưa rào và giông ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ, cục bộ có ngày xuất hiện mưa giông mạnh kèm mưa lớn, mưa tập trung nhiều vào thời điểm chiều tối.
Trong tháng 7, có khả năng xuất hiện từ 1 – 2 cơn bão (áp thấp nhiệt đới) trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Nhiệt độ trung bình tháng 7, tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; riêng tại khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.