Căn phòng chừng 15m2, nóng hầm hập, chen chúc 4 người bệnh, điều hòa không dám bật vì sợ tốn tiền điện… Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang chống chọi với nắng nóng nơi xóm chạy thận giữa trung tâm thành phố.
Những tấm tôn thay bê-tông làm tường cứ thế hấp nhiệt rồi phả ra khiến xóm trọ thêm nóng bức. Ảnh: HỒNG ÂN |
1. Xóm chạy thận nằm bên cạnh Bệnh viện Đà Nẵng, trong một con hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng, quận Hải Châu. Đây là nơi trú ngụ của những người suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận thường xuyên. Gọi là xóm, nhưng thật ra các bệnh nhân tụ cả trong một căn nhà 3 tầng cũ kỹ. Sáng sớm, nắng đổ thẳng xuống hành lang chói chang, rọi vào tận cửa phòng.
Bà Trương Thị Cúc (66 tuổi, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bưng phần cháo từ thiện, ngồi mãi chẳng muốn ăn vì nóng bức. Căn phòng bà ở suốt mấy năm nay nằm trên tầng hai, chừng 15m2. Suốt mùa nắng phòng hầm hập như cái lò, bật quạt dội nước mấy cũng không ăn thua, đành phải “nung” người trong đó. Nhưng bà còn may vì mấy bữa nay phòng chỉ có 2 người ở, những phòng khác tới 4 người, chật ních.
Ông Dương Quang Sanh (59 tuổi, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trú nơi xóm trọ này đã 4 năm. Ngoài suy thận, ông còn chịu nhiều cơn đau khác vì u mông, hoại tử ngón tay, thay khớp háng… Phòng ông ở có 4 người, chỉ có lối đi chung ngay giữa phòng là “thoáng” nhất, còn chỗ nào cũng kín ken đồ đạc. Ông di chuyển khó khăn nên được bố trí giường đặt cạnh nhà vệ sinh và bếp. Hôm tôi đến, ông Sanh ngồi ăn bữa sáng, chiếc quạt phà gió ngay trước mặt mà mồ hôi vẫn túa ra khắp người.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Chạy xót chồng: “Mình khỏe mạnh chịu nóng còn không nổi, huống hồ ông đau ê ẩm, người rệu rạo hết rồi. Hè năm nào cũng vật lộn trong cái “hộp diêm” mấy chục độ, quặn cả ruột gan mà chẳng biết làm chi được”. Nói rồi, bà đi ra phía hành lang, chỉ những tấm tôn ốp thay tường bê-tông hấp nhiệt, lúc trời đứng bóng sờ vào bỏng cả tay. Bà thở dài, nhìn quanh, toàn nhà cửa bê tông chất chồng nhau, gió cũng chẳng còn đường để thổi vào.
Phòng ông Trần Phước Hợi (62 tuổi, Quế Sơn, Quảng Nam) cũng ở 4 người. Cái giường con con vừa là nơi ngã lưng vừa là cái tủ, cái kệ để áo quần, đồ đạc. Ông mệt mỏi kêu, ở trong phòng thì bí, ra ngoài sân thì nực, đúng y “chạy đâu cho khỏi nóng”. Mấy hôm trời quá khắc nghiệt, ông không nuốt nổi cơm, chỉ uống nước cho qua bữa. Nhiều người xuống sức cũng không thể ngủ nổi dưới tiết trời này. Ông nhẩm tính, năm nay đã là năm thứ 14 ông chiến đấu với căn bệnh thận và cũng gần chừng ấy thời gian lầm lũi trong xóm trọ này. Ông biết cuộc chiến còn dài, sẽ phải chịu đựng thêm những mùa hè “ám ảnh” nơi đây.
Giữa trưa nắng, một nhóm bệnh nhân đi chạy thận trở về. Trên tay mỗi người một bịch đá lạnh được mấy hàng tạp hóa đầu ngõ cho. Bà Hà Thị Liên (quê Quảng Nam) chạy vội vào phòng lấy phích nhựa thả đá vào, bấm máy quạt lên rồi ôm cái phích hơ trước mặt. Hơi mát tỏa ra làm dịu cơn nóng. Chốc chốc bà lại cầm một cục lên rà quanh trán. “Tí nữa đá tan thì tui đem xối nước lên người. Chỉ có cách ni mới đương đầu được với nắng nóng. Nhất là mấy ngày gần 40 độ”, bà cười.
2. Những bệnh nhân ở xóm trọ này có vật bất ly thân là máy đo huyết áp. Hôm nắng nóng mệt mỏi, huyết áp trồi sụt liên tục. Từng cánh tay sau bao năm chạy thận nổi cục u to bằng quả trứng đeo máy đo suốt ngày. Để lỡ có gì bất thường còn vào bệnh viện kịp. Đó là lý do họ phải bám trụ lại cái xóm trọ chật chội nóng nảy này. Bà Liên bảo ở đây gần bệnh viện, cách có mấy trăm mét, lỡ có chuyện gì còn bồng bế dìu đỡ nhau qua. Đấy không phải lo xa mà thực tế sức khỏe của những người “giai đoạn cuối” rõ ràng như thế. Những biến chứng đã khiến cơ thể họ xuống cấp, rệu rạo. “Nếu ở xa, chưa kể lúc đau ốm đột ngột, nội chuyện đi về bệnh viện để chạy thận thôi cũng ngốn hết mớ tiền xe thồ. Chớ đi bộ thì giờ ai mà đi xa được, xương mục hết cả rồi, bước có nổi đâu”, bà lý giải.
Mỗi căn phòng ở đây có giá thuê gần 4 triệu đồng, chia đầu người cộng với tiền điện nước nữa thì mỗi bệnh nhân tốn hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Như lời họ, thì “mở mắt ra đã mất mấy chục ngàn” cho cái chỗ ở. Với người bệnh, làm không ra tiền, ngần ấy nặng nề biết bao nhiêu. Vậy nên phòng có chật, nóng thì họ vẫn chấp nhận vì ở ngay giữa trung tâm, tìm đâu ra chỗ khác giá mềm hơn nữa. Bà Liên đưa tay chỉ lên dãy điều hòa lắp ở các phòng, thở dài kêu mỗi năm chỉ dám bật đôi ba bữa, khi trời quá kinh khủng hoặc lúc trong phòng có người đuối sức cần giấc ngủ. Còn lại chẳng ai dám nghĩ tới việc nóng thì bật điều hòa nằm cho mát.
Bà tếu táo: “Bật điều hòa xong ngó qua cái đồng hồ đo điện nhảy số thôi… mồ hôi cũng đủ vã ra lại rồi. Thậm chí cả quạt tụi tui cũng hạn chế. Sáng sớm là kéo nhau ra hết khỏi phòng để tắt đi cho bớt điện, trời dịu dịu thì ba bốn người ngồi chung một cái. Chắt chiu từng chút rứa đó”.
Câu chuyện đang dở dang thì ngoài cổng có tiếng xe máy vào, một anh thanh niên xách theo những gói cháo và trái cây tới biếu bà con. Mọi người cám ơn rối rít, mừng, thêm một bữa đỡ tiền cơm. Có hôm cả xóm tắt bếp nguyên ngày vì đồ từ thiện tới liên tục, cơm, bún, sữa… đủ cả. Bà Trương Thị Cúc không ngần ngại, bảo đó cũng là lý do níu họ ở lại đây. Những phần cơm của các mạnh thường quân sớt bớt chi phí đáng kể cho họ. Chưa kể có bữa còn được cho tiền. Giờ chuyển đi, sống rải rác mỗi người một nơi, người ta muốn cho cũng chẳng biết đâu mà lần.
Mấy hôm nghe tin các tỉnh ở phía Bắc cúp điện liên miên, bà con đâm lo nếu Đà Nẵng cũng rơi vào cảnh ấy, thì họ không biết xoay sở thế nào trong 15m2 phòng trọ. Ông Hợi đứng lên ngồi xuống không yên, đi ra đi vào, nhớ chuỗi ngày ở quê trưa trưa ra hè mắc võng đong đưa dưới tán cây hưởng gió trời. Thế mà vì bệnh hiểm nghèo, những người như ông, đoạn cuối cuộc đời lại bị xô đến chốn phố thị xô bồ, ngày qua ngày ủ rũ mệt nhoài trong xóm trọ bí bách. Ông nhớ có bữa, một nhóm thanh niên tới và chở bà con ra đường Bạch Đằng ven sông Hàn. Cả xóm sướng rân người vì được hưởng gió trời lồng lộng, trước mắt là sông nước, là bầu trời rộng mênh mông chứ không phải bức tường mái tôn đối diện mỗi ngày. Ước mong của bà con giản dị mà xa xỉ, lâu lâu được ra đó một lần để… thở. Họ vẫn chờ những chuyến xe như hôm ấy.
Trước đây, bệnh nhân chạy thận nhân tạo được ở tại khu nội trú miễn phí trong Bệnh viện Đà Nẵng. Từ khi Covid-19 ập đến, họ phải chuyển ra ngoài vì an toàn sức khỏe của chính bản thân mình cũng như các bệnh nhân khác. Từ đó đến nay, họ phải chịu thêm khoản tiền thuê nhà. Theo Bệnh viện Đà Nẵng, đa số bệnh nhân chạy thận đều có bảo hiểm y tế diện hộ nghèo nên được hỗ trợ về chi phí điều trị. Bệnh viện cũng ưu tiên các chương trình từ thiện, tiếp sức của các mạnh thường quân cho nhóm bệnh nhân này. Phòng Công tác xã hội thường xuyên giới thiệu các bệnh nhân ở xóm chạy thận để các tổ chức và mạnh thường quân giúp đỡ.
|
HỒNG ÂN