Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu trên địa bàn huyện Tân Biên
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 9 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chuỗi giá trị chăn nuôi (heo, bò sữa, bò thịt); chuỗi giá trị trồng trọt (cây mì, cây mía, mãng cầu, chuối, lúa). Việc liên kết đã giúp nông dân an tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định và bảo đảm chất lượng nông sản.
Ông Phạm Văn Ngon- nông dân sản xuất lúa trên địa bàn xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết, gia đình có 3 ha trồng lúa, vào các vụ sản xuất lúa Đông Xuân mỗi năm, toàn bộ diện tích của gia đình có liên kết với một doanh nghiệp ở Bình Dương đầu tư sản xuất giống lúa tím và bao tiêu sản phẩm.
“Khi chuyển sang sản xuất lúa theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, gia đình tôi được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng vượt trội. Hơn nữa, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi không phải chật vật lo sợ khâu tiêu thụ”- ông Ngon cho biết thêm.
Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX phát huy vai trò huy động hành viên cùng áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. HTX còn đóng vai trò cầu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp để điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Phú Hậu- Chủ tịch HĐQT HTX Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa do các thành viên HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó giúp lợi nhuận của bà con tăng thêm từ 1 – 1,5 triệu đồng/ha so với ruộng lúa không liên kết theo chuỗi. Tham gia sản xuất lúa theo chuỗi giá trị vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ nông dân và người tiêu dùng, vừa liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Ông Hoàng Phú Hậu cho biết, HTX ký hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất và bao tiêu sản phẩm hơn 3 năm đã mang lại hiệu quả như: sản phẩm đầu vào vật tư nông nghiệp, giống, phân bón đầy đủ, khi thu mua nông sản cho thành viên trong HTX có sự chênh lệch giá cao hơn đối với thương lái bên ngoài. Để tránh tình trạng thương lái ép giá, HTX vận động nông dân sạ chung một giống lúa, cùng thời gian để doanh nghiệp thu mua số lượng lớn, không để rớt lại các hộ có diện tích nhỏ lẻ, đồng thời giá cả sẽ cao hơn cho nông dân.
“Để hiểu được chuỗi giá trị, thì người dân phải hiểu được ngay từ đầu về đầu vào, kỹ thuật… chính vì vậy, HTX tổ chức thăm đồng, xuống đồng cùng nông dân, để tạo được niềm tin giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp”- ông Hậu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết, HTX trên địa bàn xã đứng ra liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đạt hiệu quả khá tích cực. Bên cạnh đó, HTX kết hợp tuyên truyền người dân tham gia chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp xúc với nhau, góp phần sản phẩm làm ra có giá cả cao hơn, cuộc sống người dân ổn định hơn.
Nông dân thu hoạch cà tím trên địa bàn huyện Châu Thành
Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung áp dụng quy trình sản xuất bền vững, đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Đạt cho biết thêm, để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp chặt chẽ. Khó khăn của việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện nay là việc hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân. Chính vì vậy, địa phương kiến nghị với cơ quan chức năng quan tâm, cho chủ trương, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản và chăn nuôi, giúp nông dân yên tâm sản xuất, các cơ quan chức năng trong tỉnh tích cực mời gọi các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, có cam kết tiêu thụ cho nông dân thông qua hợp đồng với giá thoả thuận, giúp nông dân không bị thương lái ép giá, góp phần tăng nguồn thu nhập và phát triển ổn định, bền vững.
Liên kết sản xuất – tiêu thụ được ngành nông nghiệp quan tâm xây dựng trên các sản phẩm như: mãng cầu, chuối, lúa, heo, gà… Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện thành 2 chuỗi chăn nuôi heo hoàn chỉnh và 11 chuỗi chăn nuôi một phần; 1 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thuỷ sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết ước cuối năm 2023 đạt 15,5% (tăng 2% so với năm 2020).
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, người sản xuất hiện nay phải có một mô hình liên kết tiêu thụ và tiêu thụ được 30% sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây là yêu cầu của thị trường, của nhà sản xuất, chế biến, họ cần diện tích đủ lớn để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản và chăn nuôi, ngành NN&PTNT thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời ban hành 4 chính sách để mời gọi các nhà đầu tư, khuyến khích các hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho người sản xuất, chăn nuôi góp phần giảm nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm… Đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng xã nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Việc liên kết sẽ trở nên bền vững khi nhận thức và trách nhiệm của người nông dân được nâng cao trong liên kết.
Nhi Trần