Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp mà yêu cầu đầu tư lớn để tăng sức cạnh tranh, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” là một trong những giải pháp hiệu quả thời gian qua được tỉnh thực hiện nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Giai đoạn 2016 đến nay nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho những dự án động lực, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, đã giúp gia tăng tính kết nối, liên thông với các vùng kinh tế trọng điểm, sân bay, cảng biển. Sự phát triển đột phá về giao thông có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác vào đa dạng các lĩnh vực.
Thi công hạng mục phụ trợ của dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. |
Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện tử, đồ chơi, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); Tập đoàn JiaWei và các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhóm 3 dự án chuyên sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao từ vật liệu mới, thân thiện môi trường tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD; Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án Công ty TNHH QMH Computer sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận…
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2050, tỉnh xác định tổng mức đầu tư các dự án ưu tiên khoảng 681.320 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 khoảng 54.690 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 107.010 tỷ đồng và khoảng 519.620 tỷ đồng trong giai đoạn 2030-2050. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các dự án phát triển trọng điểm với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn so với những kết quả tỉnh đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, phương thức “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tiếp tục được tỉnh xác định cần duy trì và phát huy. Theo đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình lớn, quan trọng của tỉnh, không đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như: Giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cum công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi… Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thu hút tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng thiết lập các lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư. Cụ thể, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, các khu dịch vụ phục vụ công nghiệp…; chuẩn bị, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, như địa điểm, phối hợp thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo nhân lực… Hoàn thành bộ tiêu chí về đầu tư nhằm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và Tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận và xử lý thông tin nhằm xử lý kịp thời, nghiêm túc mọi phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng hình ảnh, thương hiệu của tỉnh; tổ chức xúc tiến quảng bá các điểm đến hấp dẫn, điều kiện hạ tầng và yếu tố con người Nam Định… với các bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới.
Hiện đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cân nhắc, xúc tiến chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam. Đây là một cơ hội để có thể thu hút nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, đối tác đem theo công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại; các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới; các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đến từ các nền kinh tế phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo tác động lan tỏa tích cực tới sự phát triển của khu vực kinh tế trong nước; góp phần xây dựng và hình thành những ngành công nghiệp mũi nhọn theo định hướng của tỉnh như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, triển khai có hiệu quả phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông nông thôn, thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao. Tích cực thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài để ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, công trình cấp nước sạch phục vụ công nghiệp và sinh hoạt đô thị, công trình thu gom xử lý chất thải rắn đô thị và chất thải rắn công nghiệp, xử lý nước thải khu công nghiệp, xây dựng đường sắt, xây dựng đường bộ cao tốc).
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thực đối tác công tư (PPP), theo hướng nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại huy động vốn đầu tư tại chỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Phát triển các hình thức huy động vốn đóng góp bằng các hình thức như cổ phần, cổ phiếu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy