UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, bảo đảm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Công trình thi công Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua trung tâm thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên.
Đến nay, UBND tỉnh cấp 17 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng. Trong đó, 15 giấy phép hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La; 2 giấy phép ở khu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan thực hiện khai thác khoáng sản theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, để bảo đảm đấu tranh ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất, xử phạt 18 vụ, 51 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát.
Tỉnh phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà theo Quy chế phối hợp số 04/QCPH-BNN-UBND ngày 2.6.2022 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; trong đó, yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT về các hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác cát xây dựng đã được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo nghiêm túc, đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, đưa công tác quản lý, khai thác khoáng sản cát dần đi vào nền nếp. UBND tỉnh chưa nhận được các phản ánh của cử tri, nhân dân liên quan đến các hiện tượng sạt lở do khai thác cát gây ra.
Để phòng, chống sạt lở, UBND tỉnh đã bố trí vốn thực hiện dự án thuộc các công trình, dự án phòng, chống sạt lở bờ sông; di dời dân cư ra khỏi khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở thuộc Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua trung tâm thị trấn huyện Tân Biên.
Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án sửa chữa hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu với kinh phí 280 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh) đang phối hợp với đơn vị thẩm tra thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự kiến khởi công dự án trong quý III/2023.
Ngoài ra, tỉnh hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thị trấn huyện Gò Dầu và đang nghiên cứu thực hiện 2 dự án: Đê bao tiểu vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái huyện Bến Cầu với kinh phí 1.638,4 tỷ đồng nhằm ngăn lũ, bảo vệ cho 6.491 ha tại các xã An Thạnh, Lợi Thuận, Tiên Thuận và Long Chữ; chủ động tưới tiêu, kết hợp làm đường giao thông nội đồng vận chuyển nông sản, phân bón phục vụ sản xuất và cải tạo vệ sinh môi trường kết hợp du lịch sinh thái trong vùng dự án.
Đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ với kinh phí 110 tỷ đồng có nhiệm vụ ngăn lũ cho khoảng 2.280 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Chỉ, Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, kết hợp làm đường giao thông nội đồng và bảo đảm lưu thông thuỷ từ sông Vàm Cỏ Đông vào trong vùng dự án và một số dự án khác.
Theo UBND tỉnh, do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây làm các vùng sản xuất ven sông Vàm Cỏ Đông: thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu đối mặt với các hiện tượng mưa bão, lũ, lụt, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp của người dân; do đó, cần có phương án bổ sung hoàn chỉnh hệ thống đê bao ven sông Vàm Cỏ Đông để bảo vệ diện tích sản xuất, chống sạt lở bờ sông.
Tỉnh đã nghiên cứu 2 dự án đê bao trên địa bàn (đê bao tiểu vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái huyện Bến Cầu và đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ), tuy nhiên, do nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, ngân sách Trung ương hỗ trợ hằng năm còn ít, chủ yếu là nguồn vốn sự nghiệp kinh tế nên một số dự án đê bao chống lũ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai thực hiện kịp thời.
UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tổng hợp bổ sung 2 công trình đê bao chống lũ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Tây Ninh 1.699 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án.
Cụ thể, đê bao tiểu vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái huyện Bến Cầu khoảng 1.600 tỷ đồng (ngân sách Trung ương) và đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ là 110 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 99 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng 111 tỷ đồng (ngày 27.8.2020, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổng hợp nhu cầu đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tại Công văn số 2040/UBND-KTTC, trong đó có dự án Đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ).
NGHĨA NHÂN