Trong một phiên họp bất thường hôm 30/6, 193 quốc gia thành viên của UNESCO đã phê duyệt đề xuất tái gia nhập tổ chức của Mỹ với 132 phiếu thuận và 10 phiếu chống.
Mỹ đã rút khỏi UNESCO vào năm 1984, dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, sau đó quay trở lại vào năm 2004.
Tuy nhiên, mối quan hệ của chính phủ Mỹ với UNESCO này trở nên căng thẳng vào tháng 10/2011, khi các thành viên của cơ quan này bỏ phiếu chấp nhận Palestine là thành viên của tổ chức.
Động thái này đã khiến Hoa Kỳ và đồng minh thân cận Israel tức giận, đồng thời buộc chính quyền của Barack Obama phải ngừng tài trợ cho cơ quan này. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, đất nước của ông sẽ rời khỏi UNESCO hoàn toàn với cáo buộc tổ chức này thiên vị và chống lại Israel. Mỹ và Israel sau đó đã chính thức rời UNESCO vào cuối năm 2018.
“Định hình chương trình nghị sự của UNESCO”
Các quan chức Mỹ cho biết, quyết định quay trở lại được thúc đẩy bởi lo ngại rằng Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại trong hoạch định chính sách của UNESCO, đặc biệt là trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo và giáo dục công nghệ trên toàn thế giới.
Mỹ đã đứng ngoài quan sát khi Bắc Kinh thể hiện ảnh hưởng của mình thông qua một số phương tiện quyền lực mềm của UNESCO, bao gồm cả Ủy ban Di sản Thế giới.
Mặc dù ủy ban này được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ định và bảo vệ các địa danh văn hóa, ông Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết nó thực sự đóng một vai trò rất quan trọng.
“Nó có tác động rất lớn đến du lịch và kinh tế, đồng thời có thể gây ra tranh cãi khi chỉ định các khu vực gây tranh cãi hoặc tranh chấp”, ông Swain cho biết.
Vị giáo sư lấy ví dụ về quyết định công nhận thành phố cổ Hebron ở Bờ Tây là Di sản Thế giới của Palestine của ủy ban này năm 2018, gây ra sự phẫn nộ từ Israel.
“Và khi Trung Quốc làm chủ tịch từ năm 2021 đến năm 2022, ủy ban này đã khuyến nghị rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier ở Úc nên được đưa vào danh sách “đang gặp nguy hiểm” do bị ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu và sự nóng lên của các đại dương”, ông Swain cho biết.
Theo ông Swain, Sydney đã lớn tiếng phản đối động thái này với lý do nó có nguy cơ khiến đất nước mất hàng nghìn việc làm và để lại một vết lõm lớn trong doanh thu du lịch vốn cực kỳ quan trọng đối với quốc gia này.
Sau khi Mỹ rút lui, Trung Quốc đã tăng đóng góp cho UNESCO lên khoảng 65 triệu USD, trở thành nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách hàng năm của cơ quan này.
Tháng 3/2018, UNESCO đã bổ nhiệm Xing Qu, một nhà ngoại giao Trung Quốc, làm phó tổng giám đốc. Kể từ đó, 56 di sản của Trung Quốc đã được Ủy ban Di sản Thế giới bảo vệ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia được bảo vệ nhiều thứ hai trên thế giới, sau Ý.
Ông John Brian Atwood, một nhà ngoại giao người Mỹ và là cựu quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, đã cảnh báo rằng các quốc gia như Trung Quốc và Nga “đang tích cực tham gia vào việc cố gắng định hình chương trình nghị sự của UNESCO”.
Ông Atwood chỉ ra những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chuyển Văn phòng Giáo dục Quốc tế của UNESCO đến Thượng Hải, và yêu cầu cơ quan này ký một thỏa thuận hợp tác với sáng kiến Vành đai và Con đường – một dự án trải dài trên toàn cầu mà một số nhà phân tích lo ngại có thể mở rộng đáng kể sức mạnh của Trung Quốc.
“Chiến thắng chính trị và ngoại giao”
Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản trị và Tài nguyên Mỹ John Bass, UNESCO đang tích cực thiết lập các tiêu chuẩn cho việc giảng dạy khoa học và công nghệ trên toàn thế giới.
“Vì vậy, nếu chúng tôi thực sự nghiêm túc trong cuộc cạnh tranh thời đại kỹ thuật số với Trung Quốc, chúng tôi không thể vắng mặt lâu hơn nữa”, ông Bass khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng ủng hộ quan điểm này. “Tôi rất tin rằng chúng ta nên quay lại UNESCO một lần nữa, không phải như một món quà cho UNESCO, mà bởi vì những điều đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng”, ông Blinken cho biết.
“Họ đang nghiên cứu các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi muốn tham gia vào đó”, theo ông Blinken.
Theo ông Swain, mặc dù các tài liệu chính sách của UNESCO chỉ đơn thuần là tài liệu tham khảo, nhưng chúng vẫn mang một tầm quan trọng to lớn về mặt ý thức hệ. “UNESCO đóng một vai trò tinh tế nhưng rất quan trọng trong việc thiết lập nền giáo dục và văn hóa của thế giới”, ông giải thích.
Trong trường hợp trí tuệ nhân tạo, ông Swain cho rằng mối nguy hiểm mà Mỹ có thể phải đối mặt là việc Trung Quốc “có quan điểm rất khác về các vấn đề như dân chủ và nhân quyền”.
“Lợi ích ý thức hệ của Mỹ và cam kết của Mỹ đối với nó sẽ bị thách thức nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát tổng thể về cách xây dựng các quy tắc và quy định của AI. Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề chắc chắn Mỹ cần phải lo lắng”, ông Swain khẳng định.
Tái hợp tác với UNESCO cũng là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden khi họ tìm cách xây dựng lại các liên minh với các tổ chức quốc tế.
Việc gia nhập lại UNESCO sẽ được ông Biden ca ngợi là một chiến thắng chính trị và ngoại giao khó khăn. Tháng 12/2022, chính quyền của ông đã cố gắng thông qua dự luật chi tiêu liên bang trị giá 1,7 nghìn tỷ USD thông qua quốc hội Mỹ với sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Dự luật bao gồm tuyên bố rõ ràng rằng chính phủ Mỹ sẽ tìm cách tái hợp tác với UNESCO để “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Dự luật đã phân bổ một khoản nợ hơn 600 triệu USD mà Mỹ chưa nộp cho UNESCO trước khi rút khỏi tổ chức này vào năm 2017. Việc hoàn trả đầy đủ các khoản phí thành viên đã quá hạn hiện cho phép Mỹ trở lại với tư cách là thành viên đầy đủ mà không bị chậm trễ.
Tin tức này sẽ mang lại lợi ích tài chính cho UNESCO, tổ chức có ngân sách hoạt động hàng năm là 534 triệu USD. Trước đó, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD mỗi năm trước khi rút khỏi tổ chức này.
Nguyễn Tuyết (Theo France 24, The Economist, Middle East Monitor)