Bị cáo Lê Quốc Khương tại tòa.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Quốc Khương về tội “Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự.
Tại tòa, sau phần tố tụng đến phần xét hỏi, bị cáo Lê Quốc Khương đã kể lại toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Khoảng tháng 3-2022, do cần việc làm, Lê Quốc Khương và bạn gái là Nguyễn Thị Tuyết Phụng (16 tuổi, nhân vật đã được thay đổi tên) xuất cảnh trái phép sang Campuchia để lao động. Tại đây, Khương và Phụng được một người tên Đinh Phương Anh giao nhiệm vụ lôi kéo, dụ dỗ người khác sang Campuchia làm việc, nếu “phi vụ” thành công sẽ được trả công 500 USD/người. Khương và Phụng đồng ý.
Một tháng sau, qua tìm hiểu, Khương và Phụng biết anh Trần Hồng Phương Đ (sinh năm 2003, quê tỉnh Tiền Giang) là bạn thân của Khương đang có nhu cầu tìm việc làm nên lập tức liên lạc với anh Đ. Tin lời mời gọi, Đ đã rủ thêm hai người bạn của mình là Th và N cùng đi.
Ngày 21-4-2023, theo hướng dẫn của Đinh Phương Anh, Đ, Th, N bắt xe đến Bến xe miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, sau đó có người lái xe ô tô đến đón. Trên đường đi, N được gia đình gọi về nên xin xuống xe, không đi tiếp. Theo đường tiểu ngạch, Đ và Th được lái xe đưa xuất cảnh trái phép sang tỉnh Sihanoukville, Campuchia.
Khi được hỏi về công việc tại Campuchia, Đ kể, đến nơi, Đ và Th bị tách ra làm việc tại hai công ty khác nhau, quản lý người Trung Quốc hướng dẫn cách cài đặt App cờ bạc, sau đó dụ dỗ người khác nạp tiền vào ứng dụng. “Buổi sáng hôm đó tôi bệnh không dậy nổi, mấy người quản lý kéo tôi xuống giường đánh, chích điện vào người tôi. Khi tôi xin được về nước, họ nói muốn về thì trong 1 tiếng đồng hồ phải gọi người thân gửi tiền chuộc là 2.000 USD. Không có tiền, tôi bị họ đưa lên xe chở bán sang công ty khác cách công ty cũ khoảng 2km, nằm gần một cánh rừng”.
Bị giam lỏng, bị bóc lột sức lao động và không được trả lương như thỏa thuận. Rơi vào bế tắc, khoảng 2 giờ 30 phút ngày 30-6-2022, từ cửa sổ tầng 8 của công ty, Đ đã leo xuống đất, chạy trốn vào rừng rồi tẩu thoát. Đ liên lạc với gia đình đón về Việt Nam, sau đó đến Công an huyện Châu Thành để tố giác tội phạm.
Đối với Th, bạn của Đ, sau khi được đưa sang Campuchia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bị bán từ công ty này sang công ty khác. Ngày 6-9-2022, Th về nước qua cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật”.
Tại tòa, Khương khai nhận, sau khi lừa được Đ và Th sang Campuchia, Khương được Phương Anh trả 200 USD. Khương và Phụng cũng là nạn nhân của đường dây lừa đảo. Ngày 16-6-2022, Phụng nghe tin mình sẽ bị bán ra đảo nên vay tiền bạn bè được 3.100 USD để tự chuộc mình, sau đó trở về Việt Nam. Đến ngày 20-6-2022, Khương cũng xin mẹ ruột được 100 triệu đồng đưa cho công ty rồi bắt xe về Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Ngày 1-7-2022, Khương và Phụng tiếp tục nhắn tin giới thiệu “việc nhẹ lương cao”, hẹn gặp anh Đặng An Ph và anh Nguyễn Phước T tại công viên An Hội, TP. Bến Tre để môi giới sang Campuchia làm việc. Khi đang trao đổi, dụ dỗ thì Khương và Phụng bị Công an huyện Châu Thành phối hợp với Công an TP. Bến Tre mời về làm việc.
Tại cơ quan điều tra, Lê Quốc Khương và Nguyễn Thị Tuyết Phụng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại tòa, bị cáo Lê Quốc Khương thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình và làm lại cuộc đời.
Đối với Nguyễn Thị Tuyết Phụng có hành vi cùng Lê Quốc Khương “Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, tuy nhiên, tại thời điểm phạm tội, Phụng chưa đủ 16 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự, Công an huyện Châu Thành xem xét xử lý Phụng bằng biện pháp khác theo đúng quy định pháp luật.
Bài, ảnh: Thanh Trúc