Trong bối cảnh bức tranh kinh tế xã hội của cả nước quý I vẫn còn nhiều màu xám, nhưng Tuyên Quang đã vươn lên dẫn đầu với tỉ lệ tăng trưởng GRDP 8,42%, thuộc tốp đầu cả nước; tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cao nhất cả nước, trước cả Thái Bình, Quảng Trị, Hải Phòng và Hậu Giang. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao nhất cả nước với mức tăng 22,6%.
Còn nhớ tại hội nghị phát động thi đua năm 2023 và nhiều cuộc họp triển khai nhiệm vụ của năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nêu cao yêu cầu không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Do vậy, ngay từ tháng 1, Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê đã cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm của tỉnh đứng đầu cả nước với mức tăng 34,5%. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,49%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,09. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước Xi măng, hàng may mặc xuất khẩu, giày da, gỗ tinh chế …
Có thể thấy, kết quả này rất đáng tự hào, do tỉnh ta đã thực hiện tốt tinh thần làm việc quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Tình trạng “tháng giêng là tháng ăn chơi” đã được khắc phục triệt để.
Theo Tổng cục thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá. Do vậy, chúng ta không nên tự bằng lòng với thành tích đã có. Các ngành, các cấp cần phát huy những bài học thành công từ quý I, đi đôi với tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, cần tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ; có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.