HDFC đã là một cái tên quen thuộc đối với người dân Ấn Độ, nhưng cái tên này chưa được nhiều người biết đến ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi, bởi ngân hàng này sẽ lọt vào danh sách các ngân hàng có giá trị nhất thế giới sau khi hoàn tất việc sáp nhập với công ty mẹ – Tập đoàn Tài chính Phát triển Nhà ở (HDFC), công ty cho vay thế chấp tư nhân có trụ sở tại Mumbai được thành lập năm 1977.
Thỏa thuận sáp nhập giữa ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ và công ty tài chính nhà ở lớn nhất Ấn Độ trị giá 40 tỷ USD được công bố vào tháng 4/2022. Đây được coi là giao dịch lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, tạo ra một gã khổng lồ về dịch vụ tài chính với giá trị vốn hóa hơn 172 tỷ USD. Con số này đưa HDFC lên vị trí thứ tư, chỉ xếp sau JPMorgan, ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) và ngân hàng Bank of America.
HDFC sẽ vượt lên trước 2 “gã khổng lồ” HSBC và Citigroup, đồng thời bỏ xa các ngân hàng ngang hàng Ấn Độ là ngân hàng nhà nước Ấn Độ và ngân hàng ICICI, với mức vốn hóa thị trường lần lượt khoảng 62 tỷ USD và 79 tỷ USD, tính đến ngày 22/6.
Với việc sáp nhập có hiệu lực vào ngày 1/7, tổ chức mới của Ngân hàng HDFC sẽ có khoảng 120 triệu khách hàng (lớn hơn cả dân số của Đức), hơn 8.300 chi nhánh và hơn 177.000 nhân viên.
Ngân hàng HDFC sẽ được sở hữu 100% bởi các cổ đông đại chúng, và các cổ đông hiện tại của HDFC sẽ sở hữu 41% cổ phần của ngân hàng. Mỗi cổ đông của HDFC sẽ nhận được 42 cổ phiếu của Ngân hàng HDFC cho mỗi 25 cổ phiếu họ nắm giữ.
HDFC dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 18-20%, và có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng chi nhánh trong 4 năm tới, theo ông Suresh Ganapathy, trưởng bộ phận nghiên cứu dịch vụ tài chính Ấn Độ tại tập đoàn dịch vụ tài chính Úc Macquarie.
Nguyễn Tuyết (Theo Quartz, Bloomberg, NDTV)