Trận giao hữu đáng nhớ với đội tuyển nữ Đức (thua 1-2) là hành trang không chỉ đáng giá về kinh nghiệm, mà còn cho thấy sự trưởng thành của đội tuyển nữ Việt Nam về mọi mặt. Trên sân Berberer Berg, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã thi đấu sòng phẳng với đội tuyển từng hai lần vô địch thế giới.
Điểm đáng nói nhất của đội tuyển nữ Việt Nam ở trận này không phải bàn thắng của Thanh Nhã, mà là tình huống tạo ra bàn thắng ấy. Pha bóng diễn ra ở phút 90+2, bóng được phá ra từ hàng phòng ngự, sau đó tiền đạo trẻ Vạn Sự chọc khe để Thanh Nhã băng lên ghi bàn.
Đối diện với một trong những ứng viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch, lại ở thời gian bù giờ, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam vẫn đủ năng lượng để triển khai tình huống phản công đi qua hơn nửa chiều dài sân, thực hiện những bước chạy bền bỉ đáng ngạc nhiên.
Trước bàn thắng của Thanh Nhã, đội tuyển nữ Việt Nam đã có 2 tình huống đối mặt khác của Tuyết Dung và Vũ Thị Hoa, đều đến trong hiệp 2. Tạo cơ hội ở thời điểm then chốt khi đối thủ xuống sức và mất tập trung, đội tuyển nữ Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu, nhờ nền tảng thể lực được cải thiện đáng kể.
Ở các trận giao hữu trước đó với CLB nữ Eintracht Frankfurt, CLB nữ Schott Mainz hay U.23 Ba Lan, đội tuyển nữ Việt Nam đều thi đấu bền bỉ và dẻo dai đến những phút cuối. Nhờ thể lực tốt, toàn đội giữ được kỷ luật đội hình trong cả trận, rồi từng bước dàn xếp các pha tấn công bài bản theo ý muốn.
Nói về thể lực đội tuyển nữ Việt Nam, công đầu cần nhắc đến ông Cedric Roger. HLV thể lực người Pháp gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam từ tháng 6.2021. Ông có 20 năm kinh nghiệm, từng làm việc tại 9 quốc gia khác nhau và 3 liên đoàn châu lục. Ông có bằng A huấn luyện viên được cấp bởi Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA), bằng thạc sĩ chuyên ngành Thể chất và quản lý đội.
Dưới bàn tay huấn luyện của ông Roger, thể lực đội tuyển nữ Việt Nam được cải thiện nhanh chóng. Ở Asian Cup 2022, nhóm đầu tiên của đội khi sang Ấn Độ chuẩn bị giải đấu chỉ có 4 cầu thủ, số còn lại mắc Covid-19. Tuy nhiên, ông Roger vẫn rèn thể lực rất tốt cho học trò. Lần lượt các nhóm tuyển thủ sau đó mới sang Ấn Độ, nhưng nhanh chóng vào khuôn khổ tập luyện, để rồi giành vé đi World Cup 2023 ngoạn mục với chặng leo dốc 6 trận trong 16 ngày.
“Ban huấn luyện đã có chiến lược tận dụng điểm mạnh để khắc phục điểm yếu. Tôi cũng nói với các cầu thủ nữ Việt Nam rằng nếu đối thủ to cao hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta cần nhanh nhẹn hơn, tập trung vào kỹ thuật hơn và bền bỉ hơn”, ông Cedric Roger nói. Dưới thời ông Roger, số lượng bài tập không bóng, hay số giờ trong phòng gym của các cầu thủ nữ tăng lên. Với phương pháp huấn luyện dựa trên khoa học thể thao và phù hợp với giáo án của HLV Mai Đức Chung, HLV thể lực Roger đang từng bước giúp thể lực đội tuyển nữ Việt Nam tiệm cận trình độ mới.
Trong chuyến tập huấn tại châu Âu, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã cử chuyên gia về thể lực và dinh dưỡng Ellena Tuner tới Đức để đồng hành cùng đội tuyển nữ Việt Nam. Bà Turner đã có buổi trò chuyện và trao đổi cùng các cầu thủ đội tuyển nữ Việt Nam về di chuyển, hạn chế các ảnh hưởng của sự chênh lệch múi giờ, dinh dưỡng và các vấn đề sức khoẻ đặc biệt của phái nữ. Các cầu thủ được cung cấp kiến thức về điều chỉnh giấc ngủ và các thực phẩm phù hợp với từng hoạt động, giai đoạn thi đấu, tập luyện và nghỉ ngơi.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: “Nếu lấy mốc năm ngoái khi đội tuyển nữ Việt Nam thua 0-7 trước Pháp, cho đến năm nay chỉ thua 1-2 trước Đức, so sánh tỷ số đã thấy bước tiến. Còn nhìn về thế trận, các cầu thủ đã trưởng thành về chuyên môn, trong đó có khía cạnh tâm lý, thi đấu tự tin, dám triển khai bóng, kháng được áp lực của đối thủ, vừa phòng ngự chắc chắn vừa tấn công sắc nét. Thể lực toàn đội phải rất tốt mới có thể đáp ứng yêu cầu này Để hướng tới cho World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị bài bản. Hy vọng các học trò ông Chung sẽ tiến bộ về chuyên môn và tinh thần để chứng tỏ mình xứng đáng góp mặt ở World Cup”.