Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi vừa kết thúc chuyến công du Ai Cập lần đầu, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Ðộ tới quốc gia Bắc Phi kể từ năm 1997. Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng đánh giá đây là chuyến thăm lịch sử, khi hai bên thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược Ấn Ðộ-Ai Cập.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Cairo. (Nguồn: MEA India/Vietnam+) |
Người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập cho biết, trong chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày vừa qua, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã ký tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Ðối tác chiến lược.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác Ai Cập-Ấn Ðộ trong hàng loạt lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, cho đến năng lượng tái tạo, hydro xanh, dược phẩm, an ninh lương thực, giáo dục, truyền thông, công nghệ thông tin và quốc phòng, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Ðiểm đặc biệt là, chuyến công du Ai Cập của Thủ tướng Modi được thực hiện chỉ vài tháng sau chuyến thăm Ấn Ðộ của Tổng thống El-Sisi. Hồi tháng 1/2023, Tổng thống Ai Cập là một trong những khách mời chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Ðộ. Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng, hai chuyến thăm cấp cao diễn ra liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn đã phản ánh mối quan hệ đối tác Ấn Ðộ-Ai Cập đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Các nhà quan sát chính trị quốc tế chỉ ra rất nhiều yếu tố thúc đẩy Ấn Ðộ và Ai Cập xích lại gần nhau. Hai quốc gia vốn có mối quan hệ chặt chẽ từ lâu khi cùng là những nước sáng lập Phong trào Không liên kết (NAM) năm 1961, một diễn đàn toàn cầu của các quốc gia đang phát triển. Ai Cập coi Ấn Ðộ là một đối tác quan trọng và gần như tất cả các Tổng thống và Thủ tướng của Ai Cập đều từng thăm Ấn Ðộ. Trong những năm gần đây, Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã tới Ấn Ðộ ba lần.
Trong chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày vừa qua, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã ký tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Ðối tác chiến lược
Nền kinh tế Ai Cập gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 và chịu tác động mạnh từ cuộc xung đột tại Ukraine. An ninh lương thực của Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nguồn cung từ Nga và Ukraine gián đoạn. Quốc gia Bắc Phi này nhập tới gần 80% lượng ngũ cốc từ các nhà sản xuất Nga và Ukraine. Triển vọng tăng trưởng kinh tế sụt giảm khiến các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ USD khỏi thị trường Ai Cập.
Trong bối cảnh đó, Ấn Ðộ là một trong những đối tác tin cậy hàng đầu của Cairo. Trao đổi thương mại giữa Ai Cập và Ấn Ðộ trong năm 2022 tăng 13,7% so với năm trước đó. Năm 2022, mặc dù hạn chế xuất khẩu lúa mì để bảo vệ nguồn dự trữ trong nước, Ấn Ðộ vẫn cho phép chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực tới Ai Cập. Hơn 50 công ty Ấn Ðộ hiện hoạt động tại Ai Cập với tổng vốn đầu tư 3,15 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 38.000 lao động Ai Cập. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Cairo, một công ty của Ấn Ðộ cam kết xây dựng một nhà máy hydro xanh trị giá 12 tỷ USD trong Khu kinh tế Kênh đào Suez.
Trong khi đó, Cairo đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương cũng như chính sách với châu Phi của Ấn Ðộ. Trong cộng đồng Arab, Ai Cập là quốc gia lớn nhất và là nền kinh tế lớn, một trong những đối tác thương mại chủ chốt của Ấn Ðộ ở khu vực Bắc Phi-Trung Ðông. Ai Cập có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng khi 12% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Kênh đào Suez mỗi năm. Cairo là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Ðộ tìm đến các thị trường lớn ở cả châu Âu và châu Phi.
Ai Cập đã thể hiện sự coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Modi thông qua việc Tổng thống nước chủ nhà El-Sisi trao Huân chương sông Nile, danh hiệu cao quý nhất của Ai Cập, tặng nhà lãnh đạo Ấn Ðộ. Ðáp lại những tình cảm nồng ấm của Ai Cập, trong bài đăng trên Twitter, Thủ tướng Ấn Ðộ Modi ca ngợi chuyến thăm Ai Cập của ông là “chuyến đi lịch sử”, tiếp thêm sức sống mới cho quan hệ Ấn Ðộ-Ai Cập, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
TUỆ MINH