Sáng 30-6 (tức ngày 13-5 năm Qúy Mão), tại xã Định Tiến (Yên Định), UBND huyện Yên Định đã tổ chức Lễ khánh thành Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Chùa Hưng Phúc – nơi thờ Thái Sư Á vương Đào Cam Mộc và dâng hương kỷ niệm 1008 ngày mất của ông (1015-2023).
Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; một số đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Yên Định, xã Định Tiến; đại diện đơn vị thi công và đông đảo bà con Nhân dân, con cháu họ Đào trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lê Xuân Thành khai mạc buổi lễ khánh thành Chùa Hưng Phúc
Năm 2010, chùa Hưng Phúc, làng Lang Thôn, xã Định Tiến, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, nhưng do nhiều nguyên nhân, ngôi chùa bị hư hỏng hoàn toàn. Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân về giá trị lịch sử – văn hóa của chùa Hưng Phúc và công lao to lớn của Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, ngày 14-9-2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo chùa Hưng Phúc. Ngôi chùa được khởi công trên nền chùa cũ có tổng diện tích hơn 4.000 m2, do UBND huyện Yên Định làm chủ đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công phát biểu tại lễ khánh thành Chùa Hưng Phúc
Sau gần 4 năm, đến nay ngôi chùa đã hoàn thành với tổng nguồn vốn 26 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hơn 21 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nguồn vốn xã hội hóa do con cháu họ Đào cả nước, các nhà hảo tâm và Nhân dân địa phương đóng góp…
Đông đảo Nhân dân và du khách đến dự lễ khánh thành chùa.
Chùa Hưng Phúc được bảo tồn, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, biểu thị sự thành kính, biết ơn công đức của Thái sư Á vương Đào Cam Mộc – vị đệ nhất công thần triều Lý; giúp các thế hệ mai sau hiểu rõ và tưởng nhớ đến công ơn của vị Thái sư xuất chúng trong lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Đông đảo con cháu dòng họ Đào, Nhân dân địa phương, du khách thập phương có mặt tại chùa trong ngày khánh thành.
Các tiết mục văn nghệ tái hiện lại cuộc đời Thái sư, Á Vương Đào Cam Mộc thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu và Nhân dân.
Tương truyền, Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiến, sau khi cha mất ông được mẹ đưa về quê ngoại tại xã Yên Trung (Yên Định). Với sự thông minh cùng sức khỏe hơn người, ông đã làm quan Chi hậu dưới triều Tiền Lê. Về sau, ông cùng với sư Vạn Hạnh có công lập Lý Công Uẩn lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái tổ – vị vua mở đầu vương triều Lý. Ghi ơn bậc đệ nhất công thần khai quốc, nhà vua đã phong ông chức Thái sư, Á vương, tước Tín nghĩa hầu, gả con gái trưởng là An Quốc công chúa làm vợ.
Sau khi mất, Đào Cam Mộc được vua Lý cho tạc tượng thờ ở chùa Hưng Phúc của Tràng Lang (nay làng Lang Thôn, xã Định Tiến) quê nội và ở quê ngoại Nam Thạch (Yên Trung) – nơi có nhiều gắn bó kỉ niệm từ thuở ấu thơ đến tráng niên.
Lê Hà