Minh họa: Phan Nhân |
Đang lang thang trên đường bỗng có bàn tay túm cổ áo từ phía sau, thằng Tâm giật mình quay lại. Là cô bảo mẫu. Cô nhìn nó như kẻ tội đồ, giọng tức tối: “Vào trại hai tháng trốn ba lần, mày là thằng bất trị! Vì mày mà tao khổ sở, mấy lần bị giám đốc khiển trách! Đợt nay về, tao nhốt mày vào kho coi mày trốn được không?”. “Cô bỏ cháu ra, cháu không muốn về trại mồ côi, cháu phải tìm bố”. “Mày làm gì có bố mà tìm”. “Cô không được nói thế, cháu có ảnh của bố”. “Cái gì trong ngực áo kia, chắc lại trộm của ai cái gì đúng không?”. Nhìn cô bảo mẫu với ánh mắt vằn đỏ, thằng Tâm gằn giọng: “Là cuốn nhật kí của mẹ cháu, cháu không trộm cắp gì cả”. “Không phải đồ ăn trộm thì đưa tao coi”. “Không được! Không ai được đụng vào kỉ vật của mẹ cháu”.
Mặc cho thằng Tâm không đồng ý, cô bảo mẫu cố thò tay vào ngực áo nó định lấy cuốn nhật kí, thằng Tâm cắn mạnh vào tay khiến cô bảo mẫu thét lên đau đớn, nó bỏ chạy. “Thằng mất dạy – cô bảo mẫu quát với theo – cho mày sống lang thang luôn, tao không bao giờ tìm mày nữa!”…
Lần đầu đến bãi rác, bước chân thằng Tâm tới đâu, đám ruồi xanh đen đặc bay túa ra, mùi xú uế nồng nặc khiến nó muốn ói, nhưng không kiếm được tiền sẽ chết đói. Nhớ lời mẹ dặn: “Kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì không việc gì là xấu, đi ăn trộm mới xấu”. Lời của mẹ như nguồn động viên, nó bắt đầu tìm kiếm. Bỗng nghe tiếng oe oe phát ra ngắt quãng khiến nó rờn rợn, người nổi da gà. Đứng lặng nghe ngóng, tiếng kêu lại phát ra yếu ớt như sinh linh sắp chết. Thu hết can đảm, nó bước tới… là chú chó bằng bắp chân, gầy trơ xương, thở thoi thóp, khắp người đàn kiến vàng bu đặc. Cầm con chó lên, phủi sạch bầy kiến. “Mày bị chủ bỏ rơi hả? Tao sẽ nuôi mày”. Thằng Tâm ôm chú chó nhỏ nhanh chóng rời bãi rác.
Cuộc sống cơ cực bữa đói bữa no nên thằng Tâm đen đúa, gầy còm. Khi mẹ còn sống, tối tối trong căn phòng trọ, nó nằm trong lòng nghe mẹ hát ru, kể chuyện rồi ngủ khi nào không hay. Giờ hàng đêm, nó co ro trong góc căn chòi ngoài khu vườn cà phê bỏ hoang lạnh lẽo. Những ngày đầu, nó rất sợ, nép sát vào vách tường ôm mặt khóc tới khi mệt lả rồi thiếp đi. Ngày đầu nhặt được chú chó, nó vui lắm nhưng chú chó rất yếu tưởng không qua khỏi. còn hơn chục bạc, nó mua sữa, đổ từng miếng cho chú chó nhỏ. Do bị đói nhiều ngày, chú chó nuốt sữa thun thút nhưng mắt thì nhắm nghiền không cụ cựa khiến nó rất lo. Ngày thứ hai chú chó đứng dậy được nhưng bước chân run rẩy xiêu vẹo. Hi vọng cứu được chú chó, nó mừng muốn khóc. Qua ngày thứ tư, chú chó đã nhanh nhẹn, nó đi đâu, chú chó cũng chạy theo. Nó đặt tên cho chú chó là Mồ Côi. Giờ mỗi tối, thằng Tâm không còn cô đơn, nó cùng con Mồ Côi quấn quýt đùa giỡn tới giờ ngủ, con Mồ Côi chui vào lòng nó nằm im, cả hai cùng ngủ ngon lành.
Sống cùng thằng Tâm, con Mồ Côi cũng chịu chung cảnh bữa no bữa đói nhưng nó vẫn lớn rất nhanh, mấy tháng sau nó cao ngang đùi thằng Tâm, cân nặng gần chục kí. Khi chưa có Mồ Côi, thằng Tâm hay bị đám bụi đời, nghiện hút lớn hơn bắt nạt, cướp tiền. Giờ Mồ Côi như vệ sĩ bảo vệ, đứa nào tới gần, chỉ cần to tiếng với thằng Tâm, con Mồ Côi liền nhe nanh gầm gừ khiến đám bụi đời xanh mặt không dám ăn hiếp. Mồ Côi cũng là trợ thủ đắc lực giúp thằng Tâm lượm ve chai. Hàng ngày, thằng Tâm vác cái bao tải, con Mồ Côi chạy phía trước tìm lon bia, vỏ nhựa, chai nước ngọt… Vào bãi rác, Mồ Côi nhảy lên những đống rác cao ngất ngưởng đào bới, sục sạo kiếm tìm. Có sự giúp sức của Mồ Côi, số ve chai kiếm được ngày càng nhiều, thằng Tâm đã có tiền để dành.
Một người đàn ông biết con Mồ Côi là giống chó rất quý, ông năn nỉ gạ mua. Với số tiền người đàn ông ấy trả để mua con Mồ Côi, nằm mơ thằng Tâm cũng chưa bao giờ thấy nhưng nó nhất quyết không bán.
Thằng Tâm mua một bộ đồ nghề đánh giày với hi vọng, đi đánh giày giúp nó tiếp xúc với nhiều người và biết đâu, có thể tìm được bố. Kể từ đó, ngoài thời gian đánh giày, buổi sớm và tối nó vẫn cùng con Mồ Côi đi lượm ve chai.
Làm nghề đánh giày hơn một năm, đã đánh giày cho rất nhiều người, mỗi khi làm xong cho một ai đó, thằng Tâm thường mang tấm hình của bố ra hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu. Không nản, nó vẫn hỏi bất cứ ai khi có cơ hội.
Một buổi trưa, thằng Tâm cùng con Mồ Côi vào bãi rác, bỗng trời đổ mưa như trút, sợ ướt cuốn nhật ký của mẹ, nó nhét vội vào ngực, nằm úp người trên đống rác mặc cho mưa xối xả. Con Mồ Côi cũng nằm phủ phục bên cạnh… Hơn tiếng đồng hồ, cơn mưa cũng tạnh, thằng Tâm cùng con Mồ Côi ướt mẹp, rét run. Tối ấy, thằng Tâm lên cơn sốt, người nó nóng như cục lửa. Con Mồ Côi ngồi bên kêu ư ử như khóc. Thằng Tâm sốt li bì cả đêm, tới sáng thì người nó lạnh ngắt. Cắn áo lôi, không thấy thằng Tâm cụ cựa, con Mồ Côi chạy ra đường chặn bà cụ đang đi trên vỉa hè khiến bà hoảng sợ. Con Mồ Côi ngồi xuống, hai chân trước chắp lại như cầu xin. Thấy nước mắt con chó chảy ra, bà cụ đánh bạo xoa đầu nó, con chó liền ngậm tay bà kéo đi. Linh cảm có chuyện gì, bà lật đật theo con chó. Bước chân vô trong căn chòi bỏ hoang, thấy đứa trẻ nằm co quắp bà chợt hiểu. Chạm vào người thằng bé thấy lạnh ngắt, mắt nó trắng dã lờ đờ, bà vội chạy ra đường, kêu taxi đưa nó vào viện…
“Cháu là thế nào với bà?”- bác sĩ điều trị hỏi. “Thấy nó nằm bất động ở căn chòi hoang nên tôi đưa vào đây, chắc là trẻ lang thang, bác sĩ ráng cứu nó, tiền viện phí tôi sẽ trả”.
Mấy tiếng đồng hồ sau, thằng Tâm tỉnh lại.
“Cháu tỉnh rồi hả? Bà lo quá quá!”. “Sao cháu lại ở đây” – giọng thằng Tâm yếu ớt. “Bà đi chợ, con chó của cháu chặn đường kéo bà tới chỗ cháu, thấy cháu sốt cao, không biết gì nên bà đưa vào đây”. “Cháu cảm ơn bà, mà con chó của cháu đâu ạ?”. Nghe thằng Tâm hỏi, con Mồ Côi chui ra từ gầm giường bệnh nhảy tót lên, liếm mặt, liếm cổ thằng Tâm khiến bà cụ hết sức bất ngờ, bà thốt lên: “Trời đất! Con chó khôn quá. Cháu thật may khi có nó ở bên. Giờ bà phải về nhưng bà sẽ tới thăm cháu, bà có chút tiền cho cháu mua thức ăn”. “Cháu cảm ơn bà, cháu không nhận tiền của bà được. Khi còn sống, mẹ cháu dặn không được nhận tiền của ai nếu chưa làm gì cho họ”. “Cháu quả là đứa trẻ ngoan, cứ coi như bà cho cháu mượn, khi có tiền thì trả cho bà”. “Vậy cháu xin nhận bởi cháu hết sạch tiền rồi. Cháu nhất định sẽ kiếm tiền trả cho bà”… Bà cụ rời khỏi phòng bệnh cùng lúc cô y tá bước vào. Thấy con chó, cô la lớn: “Trời… sao cho con chó vô đây!”. “Con chỉ có nó là bạn, mong cô…”. “Không được, bác sỹ tới sẽ la cô”. “Vậy để con nhờ nó đi mua ổ bánh mì rồi bảo nó ra”. Thằng Tâm đưa hai chục ngàn cho con Mồ Côi. Ngậm tờ tiền, con chó chạy ào ra cổng bệnh viện, tới trước tủ kính bán bánh mì, nó đưa chân gõ gõ. Chủ bán bánh giật mình đứng sững quan sát. Thấy con chó ngậm tờ tiền, chân vẫn gõ vào thành tủ, như chợt hiểu, ông cầm cái bánh hỏi: “Mày mua cái này?”. Con chó chạy tới, thả tờ tiền xuống chân ông.
Lấy bịch ni lông bỏ mấy cái bánh vô, con Mồ Côi nhận lấy túi bánh từ tay ông chủ quán, chạy vội đi trước sự kinh ngạc của những người có mặt.
Trở lại phòng bệnh, con Mồ Côi thả túi bánh xuống giường, cô y tá há hốc mồm, không tin vào mắt mình. “Cô thấy đấy – thằng Tâm nói – nó rất ngoan, cô xin bác sĩ cho nó ở với con nghe, nó không làm hại ai đâu”.
Không trả lời, cô y tá nhìn xoáy vào mặt thằng Tâm như tìm kiếm điều gì khiến nó hơi run, miệng lí nhí hỏi: “Cô nhìn con kì vậy, hay cô nghĩ con là kẻ xấu!”. Câu hỏi của thằng Tâm làm cô y tá giật mình vội thanh minh: “Không không, chỉ là cô muốn nhìn kỹ khuôn mặt con… hình như cô đã gặp ở đâu…”. Nói rồi, cô y tá xăm xăm bước ra khỏi phòng bệnh… Vào phòng bác sĩ trưởng khoa, không chào, cô nói luôn: “Anh Tuấn, em thấy rất lạ”. Bác sĩ Tuấn đang làm việc, ngẩng lên than: “Cô nói gì tôi không hiểu!”. “Thằng nhỏ lang thang sáng nay vào cấp cứu ấy, lạ lắm! Cái mũi, cái miệng và đôi mắt của nó…”. “Sốt ruột, nói ngay đi! Mắt miệng nó làm sao?”. “Giống anh như tạc!”. “Cô nói cái gì!”. “Không tin anh qua mà coi”.
…
Thằng Tâm đang thiêm thiếp ngủ, con chó nằm bên cạnh, thấy bác sĩ vào, con Mồ Côi liền nhảy xuống, chạy tới rụi đầu vào người bác sĩ, vẫy đuôi mừng rỡ như gặp người thân, nó cắn tay áo của bác sĩ kéo về phía thằng Tâm. Có gì đó thôi thúc khiến bác sĩ Tuấn b
ước nhanh đến.
Nhìn khuôn mặt đen đúa ngây thơ nhưng thông minh lanh lợi, một cảm giác nhói trong tim khiến anh sững lại, ký ức chợt kéo anh trở về thời sinh viên.
Cách đây hơn mười năm, anh gặp cô gái ấy. Khuôn mặt sáng như trăng rằm, đôi mắt đen sâu thẳm man mác buồn, lúc nào cũng như muốn khóc. Chiều Thu – cái tên không kém phần buồn cùng sự e thẹn của cô sinh viên năm nhất khiến anh say đắm. Gần một năm theo đuổi, ngày sinh nhật thứ 19 của Chiều Thu, anh đã ngỏ lời cầu hôn… Những lần hẹn hò sau đó, Chiều Thu đã cho anh cảm giác ngập tràn trong hạnh phúc, nhưng khi đưa Thu về ra mắt mẹ, biết cô là con nhà nông, ở tận trên vùng đất cao nguyên B’Lao xa lắc, thái độ của mẹ lập tức thay đổi, bà lạnh lùng không tiếp, lẳng lặng về phòng, đóng sầm cửa mặc cho anh đứng hàng giờ bà cũng không ra. Bà nói rằng, sẽ tuyệt thực đến chết nếu anh lấy cô gái không môn đăng hậu đối làm vợ! Buồn bã, anh đưa Chiều Thu về ký túc xá. Đó cũng là lần cuối cùng hai người gặp nhau.
…
Thằng Tâm tỉnh dậy, bối rối khi thấy bác sĩ đứng nhìn nó chăm chăm. “Con xin lỗi vì đã cho con chó vô đây”. Câu nói của thằng Tâm cắt ngang dòng kí ức, đưa anh về thực tại. Ngồi xuống cạnh thằng Tâm, cầm tay nó, giọng vị bác sĩ nhỏ nhẹ: “Con chó của con rất ngoan, chú cũng thích nó. Con kể cho chú nghe về cuộc sống của con đi. Gia đình con ở đâu, sao lại sống lang thang?”. Ngập ngừng một hồi, thằng Tâm bắt đầu kể: “Con không có bố, mẹ con mất hai năm rồi. Khi mẹ mất, con được đưa vào trại trẻ mồ côi nhưng con muốn đi tìm bố. Khi còn sống, thi thoảng con thấy mẹ mang tấm ảnh người đàn ông ra ngắm rồi khóc, mẹ bảo đó là bố con. Mẹ nói, bố rất bận nên chưa thể về, một ngày nào đó bố sẽ về. Mấy năm nay con giữ tấm hình bên người và đi tìm nhưng chưa được”. “Con có thể cho chú coi tấm hình không?”. Thằng Tâm lấy tấm hình đưa bác sĩ. Vừa thấy tấm hình, bác sĩ Tuấn run lên, anh cố kìm chế, hỏi tiếp: “Mẹ còn để lại gì cho con nữa không?”. “Còn một cuốn nhật ký”. “Con cho chú mượn cuốn nhật ký một chút, chú về phòng coi rồi mang trả được không?”. “Dạ được”.
Về tới phòng, thả người xuống ghế, bác sĩ Tuấn vội mở cuốn nhật ký.
Ngày… tháng… năm… Lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, cái gì cũng bỡ ngỡ. Mình phải cố gắng thật nhiều để không phụ công lao của bố mẹ.
Ngày… tháng… năm… Lần đầu tiên gặp anh mình run quá, anh hỏi mình cứ ậm ừ vì chẳng nghĩ ra câu gì để nói!
Ngày… tháng… năm… Lần đầu tiên anh đưa mình đi chơi, ăn những món ăn lạ, ngon quá nhưng không dám ăn nhiều, sợ anh cười…
Ngày… tháng… năm… Lần thứ hai đi chơi, anh cầm tay mà tim mình đập như muốn nhảy khỏi lồng ngực!
Ngày… tháng… năm… Anh đã cầu hôn mình. Một đêm thật hạnh phúc khi được ở bên người mình yêu. Mình không thể cưỡng lại… chỉ biết nằm im, nhắm mắt cảm nhận hạnh phúc, cứ lâng lâng bay bổng ngọt ngào của lần đầu tiên.
Ngày… tháng… năm… Ngày về ra mắt gia đình anh, mình cố kìm để không bật ra tiếng khóc! Khi về tới phòng, anh đi rồi, mình đã khóc đến sưng cả mắt.
Ngày… tháng… năm… Mẹ anh tìm gặp mình, yêu cầu hãy tránh xa anh. Gia đình đã thu xếp cho anh đi du học. Vì tương lai của anh, mình quyết không gặp anh nữa, nhưng sao lòng mình đau quá, như có ai bóp nát trái tim vậy!
Ngày… tháng… năm… Mình đã chậm hai mươi ngày! Không thể tiếp tục học nữa. Phải rời giảng đường thôi! Phải ra đi, phải kiếm tiền để chuẩn bị cho con…
Gấp cuốn nhật ký lại, người anh run như lên, miệng đắng ngắt, cổ tắc nghẹn. Anh không thể ngờ, người mà anh yêu thương phải rời bỏ anh trong cô đơn cùng cực đến vậy. Những ngày đầu chuẩn bị đi du học, anh đã chạy đôn đáo khắp nơi tìm Chiều Thu, về cả B’Lao, nhưng tất cả bạn bè, bố mẹ đều không biết Chiều Thu ở đâu. Điện thoại hàng trăm cuộc chỉ nghe thuê bao… Phút cuối cùng bước lên máy bay anh vẫn hi vọng, sẽ nhận được một cuộc gọi của Chiều Thu. Nhưng, anh đã chờ đợi trong vô vọng. Năm năm học tập ở nước ngoài, trở về nước, anh vẫn không có được dù chỉ một chút tin tức của Chiều Thu.
Thời gian ấy, trên vùng đất Cao Nguyên, hệ thống y tế vẫn còn rất thiếu trang thiết bị chuẩn đoán và bác sĩ, anh đã tình nguyện chuyển công tác tới một bệnh viện, gần nơi gia đình Chiều Thu sinh sống với mong muốn, mang những kiến thức mình đã học được, cứu chữa những người bệnh trên vùng đất B’Lao xa tít ấy, cùng với hi vọng, một ngày nào đó sẽ tìm được người mình thương yêu.
…
Bước chân nặng nề trở lại phòng bệnh, anh ngồi xuống, ôm chặt thằng Tâm vào lòng bật khóc như một đứa trẻ, giọng tắc nghẹn:
“Tâm!… Con đúng là con trai của bố… bố xin lỗi vì tất cả….”.