Việt Nam theo đuổi đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế; Công tác đối ngoại góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đây là đánh giá của nhà báo Ngụy Vi, Trưởng Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam và vai trò của chính sách “ngoại giao cây tre”.
Khoảnh khắc công bố kết quả bầu cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 đối với đoàn Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nhà báo Ngụy Vi nhấn mạnh trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia và dân tộc đều chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới và xu thế thời đại. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao giai đoạn 2020-2030, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tập trung chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; duy trì môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ phương châm ngoại giao độc lập tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam, duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và các nước lớn, kiên trì chính sách “4 không” được nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, đồng thời có các biện pháp ngoại giao linh hoạt… Ông Ngụy Vi cho rằng phong cách “ngoại giao cây tre” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể mô tả bằng cụm từ “lập trường chính trị rõ ràng, cách thức ngoại giao linh hoạt”.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.
Đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thời gian qua, nhà báo Ngụy Vi nêu rõ ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết về vấn đề chủ nghĩa xã hội “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết sau đó trở thành quan điểm lý luận chủ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới ở Việt Nam, đặc biệt là quyết định những vấn đề căn bản như con đường và phương hướng phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ tính đúng đắn trong đường lối phát triển của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tổng kết kinh nghiệm mới về đổi mới lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu trong sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam. Với vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại những thay đổi to lớn và tốt đẹp cho đất nước. Những thành tựu Đổi mới của Việt Nam cho thấy phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đạt hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.
Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, nhà báo Ngụy Vi nhắc lại sự kiện từ ngày 30/10 – 1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp sau Đại hội XX, nghe Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu trực tiếp về tình hình liên quan đến Đại hội XX. Điều này thể hiện tầm quan trọng của vị thế quốc tế của Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc – Việt Nam. Sau đó, các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lần lượt thăm Trung Quốc, làm nổi bật xu thế tốt đẹp trong giao lưu và hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo TTXVN/Báo Tin tức