Sáng 30/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố”.
Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi còn khó.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Thép TP.HCM, thông tin, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất nhưng hiệu quả các doanh nghiệp được hưởng ít. Đơn cử, doanh nghiệp của ông được giảm lãi suất hai lần, mỗi lần chỉ khoảng 0,2-0,3%/năm. Do đó, cần có giải pháp để doanh nghiệp “dễ thở” hơn.
Theo ông, ngành thép là ngành vay vốn rất lớn, từ vài chục tỷ tới vài nghìn tỷ, chỉ cần ngân hàng giảm lãi suất 0,5-1% sớm hơn 1-2 ngày là rất tốt. Hiện, doanh số doanh nghiệp ngành thép giảm 50-70%, nếu ngân hàng không đồng hành ngay thì doanh nghiệp sẽ phá sản. Từ đó, chính nợ xấu của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, đại diện Công ty Vietluxtour, cho hay, các đơn vị lữ hành chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhưng khi muốn vay vốn để đầu tư thêm xe du lịch, mở rộng kinh doanh thì ngân hàng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Do đó, bà Thuỷ mong muốn có cơ chế để các doanh nghiệp lữ hành uy tín, làm ăn có lãi, được tiếp cận vay tín chấp.
Đáng chú ý, giám đốc một công ty logistics tại TP.HCM chia sẻ, khi vị này tới ngân hàng hỏi về gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ thì nhận được câu trả lời từ cán bộ tín dụng là gói tín dụng trên đã sử dụng hết. Còn nhân viên tại một ngân hàng khác thì bảo không có thông tin gói hỗ trợ này!?
Trước thông tin lạ này từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, khẳng định, cán bộ tín dụng trả lời không đúng và không làm hết trách nhiệm.
Bởi, gói hỗ trợ lãi suất 2% áp dụng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN ban hành từ ngày 20/5/2022. Việc tổ chức truyền thông chính sách làm tốt ngay từ đầu.
Cụ thể, NHNN đã tập huấn toàn hệ thống, họp trực tuyến với tất cả 63 tỉnh/thành có các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại cũng xây dựng quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn nội bộ, phổ biến tới tận phòng giao dịch, quán triệt cho cán bộ nhân viên, tư vấn cho khách hàng về gói hỗ trợ.
“Tôi rất tiếc khi có cán bộ tín dụng trả lời doanh nghiệp như vậy. Đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin nhân viên thuộc ngân hàng nào, chi nhánh ở đâu để chúng tôi có biện pháp xử lý. Không thể để một chủ trương lớn của Chính phủ và ngành ngân hàng làm suốt thời gian qua mà cán bộ tín dụng lại trả lời doanh nghiệp như vậy”, ông Lệnh nói.
Cũng theo ông Lệnh, gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách (khoảng 40.000 tỷ đồng) được áp dụng trong năm 2022 và 2023. Giả sử, khi vay vốn của ngân hàng thương mại với lãi suất thoả thuận là 8%, doanh nghiệp chỉ phải trả 6% lãi suất. Như vậy, gói này hỗ trợ trực tiếp 2% lãi suất cho doanh nghiệp.
Do đây là gói tín dụng hỗ trợ sử dụng nguồn vốn ngân sách nên phải đảm bảo quy trình thẩm định, đúng đối tượng, đúng mục tiêu và công khai minh bạch. Tuy nhiên, ông thừa nhận, kết quả triển khai gói hỗ trợ đang chậm.
Theo ông, nguyên nhân do chính tâm lý thận trọng từ phía doanh nghiệp. Họ ngại công tác kiểm tra, thanh tra. Ngoài ra, theo quy định, tổ chức tín dụng phải đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp là đối tượng cho vay. Đây là yếu tố định tính nên cũng tác động tới quá trình triển khai gói hỗ trợ.
Dẫu vậy, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 2% hoặc cơ chế chính sách khác có thể phản ánh trực tiếp cho NHNN chi nhánh TP.HCM qua đường dây nóng, email hoặc nhắn tin thẳng tới số điện thoại của ông Lệnh. Cơ quan NHNN thành phố sẽ giới thiệu doanh nghiệp tới các NHTM để tìm hướng tháo gỡ.
Nói về lãi suất cho vay, ông cho biết, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã chủ động giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%, các ngân hàng tiên phong như VCB, BIDV, Agribank…
Cùng với đó, việc kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại TP.HCM đã được thực hiện, ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để giải ngân. Cụ thể, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại địa bàn thành phố năm nay thu hút sự tham gia của 20 thương hiệu ngân hàng với số vốn đăng ký hơn 453.000 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm, số tiền giải ngân là khoảng 283.000 tỷ, tương đương 60% số vốn đăng ký.
Tuy nhiên, ông Lệnh lưu ý, mọi chính sách có độ trễ nhất định nên cần có thời gian. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, vốn cho doanh nghiệp vay là nguồn tiền huy động từ nền kinh tế, dân cư. Do vậy, ngân hàng cũng phải đảm bảo hiệu quả trong hoạt động, có dòng tiền để trả lãi tiền gửi cho cư dân.