Truyền hình là một cuộc trò chuyện được phóng to
+ Nhà báo Vũ Quang: Ai là người đã giới thiệu Lina Phạm đến với VTV4 ?
–BTV Lina Phạm: Một người dẫn và biên tập viên VTV4, cũng là bạn của tôi trong một lần tình cờ rủ vào Đài Truyền hình Việt Nam chơi, hỏi tôi: Hè này (2014) có việc gì làm chưa? Vào VTV4 làm trong hè cho vui. Và mọi chuyện bắt đầu từ đó.
+ Nhà báo Vũ Quang: Công việc mà chị làm suốt ngày không chán?
-BTV Lina Phạm: xem phim
+ Nhà báo Vũ Quang: Ba công việc mà Lina Phạm luôn muốn thực hiện?
– BTV Lina Phạm: Ba việc mà tôi muốn làm: – Bằng công việc của mình, tôi phục vụ được một nhu cầu chính đáng của xã hội – Phục vụ xong nhu cầu đó, tôi đem được niềm vui, hoặc một khoảnh khắc bừng sáng cho mọi người – Tôi đem lại được niềm vui cho con gái và những người thân trong gia đình của mình.
+ Nhà báo Vũ Quang: Những nhà báo Việt Nam và thế giới chị ngưỡng mộ?
– BTV Lina Phạm: Nhà báo mà tôi ngưỡng mộ: Quốc tế là Christiane Amanpour; Trong nước là nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, Lê Hồng Quang. Với anh Tạ Quỳnh Tư, hầu hết xem các phim của anh xong tôi đều khóc. Đề tài thân phận con người là điểm mạnh của anh. Và anh đã chạm vào được khán giả. Tôi còn nhớ mãi ngày tôi mới vào đài, chưa biết ai với ai, đang ngồi ở phòng quay phim đạo diễn thì anh đi vào, mặt vui, mà “khoe” ngay với anh em những thước hình anh vừa quay được. Đó là hình một ông tây đen lội bì bõm bắt cá trong 1 cái mương ở đâu đó miền Nam. Về sau mới biết, nó nằm trong tác phẩm những đứa con lai từ cuộc chiến của anh. Sự say mê với nghề đó tôi không quên. Và sự khiêm tốn của anh luôn là điều nhắc nhở tôi phải sống thế nào với nghề. Với nhà báo quốc tế Amanpour, bà là 1 phóng viên chiến trường, có mặt ở các điểm nóng, chuyên phỏng vấn các chính khách. Tôi thích bà vì cảm nhận ở đó chiều sâu tri thức, sự bình thản, và tính báo chí rất cao.
+ Nhà báo Vũ Quang: Nhân vật Talk Việt Nam nào ám ảnh chị đến bây giờ?
– BTV Lina Phạm: Nhân vật Talk Việt Nam ám ảnh nhất cho đến hôm nay là Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Bởi nhân vật chỉ nhận lời khi đã xuống sân bay tại Việt Nam. Thời lượng rất căng, đòi hỏi làm như trực tiếp, và phải phát ngay với phụ đề tiếng Việt. Nội dung không được phép có bất cứ lỗi sai về mặt chính trị hay khái niệm gì. Đây là một áp lực lớn về mặt tác nghiệp vì ngồi hàng khán giả là các học giả quốc tế, quan khách Việt Nam, quốc tế, các đại sứ quán, và rất nhiều tổ chức quốc tế. Nhưng tôi vui vì sau đó nhận được cái vỗ vai của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, nói em làm tốt. Tôi cũng biết mình giữ được “trận địa” và tiết tấu khi nghe thấy những tiếng cười từ khán giả trước những câu đùa của Tổng thư ký trong cuộc Talk. Đó là nhân vật talk đặc biệt nhất, và những khán giả đặc biệt nhất và chắc là cũng khó tính nhất của Talk Việt Nam của tôi.
+ Nhà báo Vũ Quang: Kỹ năng nghề truyền hình mà Lina Phạm còn thiếu?
– BTV Lina Phạm: Kỹ năng nghề còn thiếu: Tôi nghĩ sẽ không bao giờ đủ. Đặc biệt trong thời đại công nghệ này, sẽ có những kĩ năng mới được sinh ra.
+ Nhà báo Vũ Quang: Cụ thể kỹ năng nào mà Lina Phạm muốn có ngay bây giờ?
-BTV Lina Phạm: Kỹ năng phán đoán tình huống tinh tế hơn nữa, để bắt trọn được những gì đẹp nhất và thú vị nhất mà nhân vật trao cho mình.
+ Nhà báo Vũ Quang: Nhà báo Mỹ Terry Anzuts chia sẻ: Truyền hình là một cuộc trò chuyện được phóng to. Chị nghĩ sao về nhận định này?
-BTV Lina Phạm: Tôi thấy đây là một ý thú vị. Cuộc trò chuyện thì phải có kẻ nói, người nghe, mà lại còn “phóng to” lên nữa thì chắc là nội dung của nó nên là đáng xem. Làm sao để cuộc nói chuyện ấy giữa hai người nhưng cũng là của mọi người. Tôi nghĩ đó cũng là một bản chất của truyền hình.
+ Nhà báo Vũ Quang: Tiếng Anh chiếm bao nhiêu % trong thành công của Lina Phạm trong Talk Việt Nam?
-BTV Lina Phạm: Tiếng Anh là công cụ, giúp truyền tải nội dung. Nếu tiếng Anh tốt mà nội dung không có thì cũng hỏng. Mà nội dung tốt nhưng tiếng Anh không tốt thì cũng hỏng. Nên luôn phải đi song song. Tôi không muốn định lượng nó. Cũng giống như tiếng Việt ấy, có phải ai nói tiếng Việt tốt cũng làm người dẫn chương trình hay sản xuất nên một chương trình hay đâu, phải không? Nhưng lao động thì không thể thiếu công cụ lao động. Tiếng Anh trong trường hợp này, chính là công cụ lao động.
+ Nhà báo Vũ Quang: Một kênh truyền hình Mỹ dành một ngày MC lên hình mặt mộc. Lina Phạm bình luận gì về sự việc này?
– BTV Lina Phạm: Tôi nghĩ nếu mặt mộc của người dẫn đủ thiện cảm, thì tại sao không? Giống như ca sĩ Lady Gaga quái tính đã để mặt mộc để hát trong lễ trao giải Oscar vừa rồi đó. Hình ảnh đó phù hợp với thông điệp của bài hát, hợp với bối cảnh, và trên hết, về tổng thể, người xem cảm thấy dễ chịu. Ở đây là vấn đề quan điểm. Ở một xã hội tri thức cao, người xem hiểu ngay ý đồ tại sao truyền hình làm vậy. Ở một xã hội có nhiều định kiến và khuôn mẫu, chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nói tóm lại, khi làm điều gì, thì phải hiểu tại sao mình làm vậy, và làm vậy để làm gì.
Tôi rất thích những câu hỏi ngắn, càng ngắn càng tốt
+ Nhà báo Vũ Quang: Lina Phạm thấy sao khi nhiều MC của VTV mở đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi đóng?
– BTV Lina Phạm: Tôi cũng nhận thấy điều đó. Giá mà thế giới chỉ có “Có” và “Không” thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều, phải không? Nhưng cũng có thể bạn MC muốn “khích tướng” nhân vật, chọc cho họ phải nói “Không” và giải thích thì sao (cười). Đùa vậy thôi chứ tôi nghĩ là hỏi gì cũng được, miễn sao nó hợp hoàn cảnh và khiến người bị hỏi cảm thấy thoải mái để chia sẻ câu chuyện của mình.
+Nhà báo Vũ Quang: Và tệ hơn khi đặt câu hỏi có hai ý?
–BTV Lina Phạm: Lỗi này khá hay gặp. Chắc do tham và tiếc không hỏi, lỡ quên mất đây mà (cười). Nhưng đúng là tại một thời điểm, giải quyết một vấn đề thôi là điều tốt nhất. Nó đem lại sự rõ ràng, và tập trung cho nhân vật. Cá nhân tôi rất thích những câu hỏi ngắn, càng ngắn càng tốt. Bởi tôi đọc ở đâu đó rằng, khi bạn có thể dùng cách diễn đạt dễ hiểu nhất để nêu vấn đề của mình, nghĩa là bạn đã rất hiểu vấn đề. Và tôi nghĩ người xem sẽ thích điều này.
+Nhà báo Vũ Quang: Khoảng lặng trong phỏng vấn nằm ở đâu theo Lina Phạm?
–BTV Lina Phạm: Cực kì quý giá. Có khi loay hoay mãi, dùng đủ mọi “kỹ xảo” chỉ để chuẩn bị và chắt chiu cho cái khoảng lặng này thôi. Lí do: Đó là lúc nhân vật bị cảm xúc chi phối, và bung toả hết mọi ngóc ngách sâu thẳm ra, những thứ không thể diễn tả bằng lời! Đây cũng là cơ hội để người xem dừng lại, hoà cùng cái nhịp của “cuộc nói chuyện phóng to” ấy (theo lời của nhà báo Terry Anzuts ở trên). Khoảng lặng ấy là một nốt trầm cần thiết. Nó khiến những gì đến trước và sau nó đọng lại trong tâm trí người xem lâu hơn.
+Nhà báo Vũ Quang: Lina Phạm muốn được xã hội ghi nhận ở vai trò gì?
-BTV Lina Phạm: Có câu nói thế này: Sự thật có khi không hay bằng hành trình tìm ra sự thật. Với tôi, công việc dẫn cũng vậy. Việc ngồi trong rực rỡ ánh đèn và sân khấu có khi không hay bằng hành trình đưa nhân vật ấy, câu chuyện ấy lên sân khấu. Vì thế tôi yêu công việc trước và cả sau máy quay.
Tôi rất thích chiếc làn đi chợ của Việt Nam
+Nhà báo Vũ Quang: Lina Phạm là người như thế nào ở ngoài đời?
-BTV Lina Phạm: Tôi chưa bao giờ sở hữu bất cứ món đồ hiệu nào bởi… tôi rất ghét những thứ có logo. Tôi rất thích chiếc làn đi chợ của Việt Nam vì tôi thấy nó tiện lợi, đựng được cả thế giới, và đẹp! Và đó là chiếc túi hiệu tôi ưng nhất trên đời.
Tôi không bao giờ đội mũ hay bôi kem chống nắng dù trời nắng, vì tôi thấy nó rất bất tiện. Tôi rất thích đi chợ cóc, ngồi vỉa hè, ăn khoai lang và ngắm các chị bán hàng. Âm thanh và mùi của những khu chợ như vậy khiến tôi thấy mọi căng thẳng đều tiêu tan.
Và điều cuối cùng, tôi rất ghét phải tạo dáng chụp ảnh. Tôi có phản ứng đơ cứng với máy ảnh, và thường chỉ trông ổn khi bị chụp mà không biết.
+Nhà báo Vũ Quang: Câu hỏi nào mà nhà báo Vũ Quang chưa hỏi mà Lina Phạm muốn được hỏi?
– BTV Lina Phạm: Tôi rất thích những câu hỏi nhận được từ nhà báo Vũ Quang, và thú thật, cũng chưa có báo nào từng hỏi tôi những câu như vậy. Rất may là nhà báo không hỏi tuổi. Còn lại thì tôi thấy đã rất vui và trân trọng.
+Nhà báo Vũ Quang: Xin chân thành cảm ơn! Chúc Lina Phạm và Ban Truyền hình đối ngoại tiếp tục nâng cao Talk Việt Nam lên tầm quốc tế.
Nhà báo Vũ Quang (thực hiện)