TTH.VN – Sau thời gian thử nghiệm xe máy điện giao hàng dành cho người giao hàng (shipper), Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá kết quả thử nghiệm và tham vấn chính sách về dịch vụ giao vận xanh tại Thừa Thiên Huế.
Theo kết quả sơ bộ thử nghiệm chính sách giao vận xanh cho nhóm shipper tại Huế, xe máy điện mang đến lợi nhuận kinh tế cũng như bảo vệ môi trường khi shipper chuyển đổi từ xe máy dùng xăng sang xe máy điện trong lĩnh vực giao vận. Cụ thể là giảm chi phí, giảm tiếng ồn, xây dựng hình ảnh Huế xanh và giảm phát thải nhà kính.
Chi phí vận hành của shipper xe điện thấp hơn so với shipper xe xăng trong nhóm shipper được khảo sát. Chi phí đổ xăng trung bình của các shipper nằm trong khoảng 35.000 đồng đến 56.000 đồng một ngày. Trong khi đó, phần lớn chi phí của shipper xe điện là chi phí thuê pin 650.000 đồng hàng tháng, chi phí đổi pin dao động từ 260.000 đồng đến 340.000 đồng, tương đương với mức chi 31.000 đồng đến 37.000 đồng mỗi ngày.
Kết quả thử nghiệm là căn cứ để đưa ra các chính sách hỗ trợ hạ tầng giao thông cho xe máy điện, góp phần xây dựng hình ảnh Huế “xanh” và tăng trưởng bền vững. Theo đó, sẽ xây dựng các chính sách trong việc ứng dụng đổi mới sáng tạo, kết nối các giải pháp và nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xe điện cho nhóm giao vận xanh để phát triển TP. Huế theo hướng đô thị thông minh và có lượng phát thải carbon thấp.
Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông điện ở Việt Nam”, UNDP đã hỗ trợ chính thức dự án “Hỗ trợ phát triển giao thông bằng xe điện” cho đơn vị tiếp nhận là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với khoản viện trợ không hoàn lại 2,3 tỷ đồng, cho vay ưu đãi cá nhân mua xe đạp hoặc xe máy điện, với số xe ban đầu là 200 chiếc. Dự án nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện tại TP. Huế, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông, thúc đẩy phát triển giao thông xanh, nâng cao nhận thức xã hội đối với giao thông điện.
Tin, ảnh: MINH HIỀN