Hội thi Tìm hiểu kiến thức công tác gia đình bình đẳng giới và trật tự, an toàn giao thông, do Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, là sân chơi tiêu biểu, ý nghĩa dành cho các gia đình.
Tiểu phẩm “Tôi sai rồi” của huyện Châu Thành. Ảnh: MỸ XUYÊN
Chuẩn bị chu đáo
Hội thi năm nay có chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Hội thi còn là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực gia đình, bình đẳng giới và trật tự, an toàn giao thông.
Vì là hội thi thường niên, nên Ban tổ chức xây dựng kế hoạch sớm và tiến hành triển khai, để các huyện, thị, thành phố chủ động tổ chức hội thi tại địa phương, chọn ra những gia đình xuất sắc nhất, vừa tạo sân chơi, không khí thi đua sôi nổi cho các gia đình, tuyển chọn lực lượng tham dự hội thi cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành A, cho biết: “Huyện chủ động tổ chức hội thi này dành cho các gia đình ở xã, thị trấn tham gia, với nội dung, tiêu chí giống với hội thi cấp tỉnh. Vừa tạo sân chơi, cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích cho các gia đình. Hội thi đã thu hút sự tham gia của các gia đình tiêu biểu nhất, đại diện cho các xã, thị trấn và chất lượng cũng được khẳng định qua sự đầu tư có chiều sâu, nâng tầm kỹ năng sân khấu hóa”.
Từ những chương trình, kịch bản của các xã, thị trấn xây dựng tham gia hội thi cấp huyện, có đơn vị đã chọn để nâng tầm, làm cho kịch bản tròn hơn, có nhiều điểm nhấn, tình tiết ấn tượng, tham gia cấp tỉnh. Bà Hứa Thị Kim Dung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Kịch bản “Mơ ước của con” đơn vị chọn để thi phần tiểu phẩm là kịch bản của xã Long Trị A tham dự cấp thị xã. Với cái nhìn chân thực, tác giả đã xây dựng cốt truyện hay, có điểm nhấn, phản ánh được thực trạng xâm phạm quyền của trẻ em, khi có những gia đình bắt các em phải nghỉ học, lao động… Cách nhìn sáng tạo, nhẹ nhàng, nhưng nhiều ý nghĩa đã giúp chúng tôi quyết định chọn kịch bản này dự thi, chứ không cần phải đầu tư kịch bản mới”.
Chất lượng, nâng tầm
Với lượng kiến thức rộng về các luật, cũng như các văn bản về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, những kiến thức về lĩnh vực gia đình, trẻ em… nên để chọn xây dựng chương trình, kịch bản dự thi vừa dễ lại khó. Dễ bởi có nhiều đề tài, nội dung khai thác. Khó là quá rộng nên tìm một điểm nhấn, một sự khác biệt không đơn giản, đòi hỏi những tác giả phải nghiên cứu hiện thực cuộc sống, có góc nhìn và sự trải nghiệm, mới có thể xây dựng nên những kịch bản tốt, chương trình đa dạng, thu hút.
Các đơn vị chú trọng đầu tư cả 3 phần thi: Tự giới thiệu, kiến thức và tiểu phẩm. Nếu như ở phần thi tự giới thiệu là sự đa dạng, kết hợp giữa khả năng biểu diễn trên sân khấu qua các hình thức ca, hò, vè, với sự đầu tư nghiêm túc về trực quan, trang phục, để giới thiệu về thành tựu địa phương, công tác chăm lo cho gia đình và giới thiệu về các thành viên trong gia đình, tạo nên hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực. Phần thi kiến thức là sự đầu tư dài hơi hơn, không chỉ thuộc những câu hỏi do Ban tổ chức gợi ý, yêu cầu, mà phải có thêm nhiều am hiểu về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trẻ em và các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, để lý giải cho những phần trả lời thêm hoàn hảo.
Phần thi tiểu phẩm của các đơn vị được chờ đợi nhất. Các đội thi thể hiện sự nhận thức sâu sắc về lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trẻ em và trật tự, an toàn giao thông; vạch rõ đâu là nguyên nhân của sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông đối với con người và xã hội, lên án, phê phán những hành vi và biểu hiện tiêu cực. Như kịch bản “Tôi sai rồi” của huyện Châu Thành, “Mơ ước của con” của thị xã Long Mỹ, “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của thành phố Vị Thanh… Qua đó gửi thông điệp đến mọi người “Hãy yêu thương, chia sẻ, bình đẳng và tôn trọng”, là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình; chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông để phòng tránh tai nạn giao thông, góp phần bảo vệ sức khỏe, tài sản, đặc biệt là tính mạng của chính mình và người thân.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban giám khảo, chia sẻ: “Mỗi lần thi là chúng tôi thấy sự nỗ lực nâng tầm của từng đơn vị, có sự quan tâm, đầu tư nâng tầm chất lượng. Nhất là phần thi tiểu phẩm, phản ánh chân thật về những góc khuất, thực trạng xã hội về lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trẻ em và trật tự, an toàn giao thông, đặt ra những vấn đề cho mỗi chúng ta suy ngẫm. Bên cạnh đó, các đội còn sử dụng hiệu ứng âm thanh, hình thức cách điệu sân khấu, trực quan sinh động để làm tăng tính hấp dẫn cho nội dung tiểu phẩm. Một số thí sinh đã thể hiện được năng khiếu nghệ thuật, ca hay, diễn tốt, lột tả được tính cách của nhân vật, góp phần tăng tính hiệu quả cho toàn bộ tiểu phẩm…”.
Huyện Châu Thành đạt giải nhất toàn đoàn
Kết thúc hội thi, với 3 phần thi được chuẩn bị chu đáo, nội dung đi vào chiều sâu, thể hiện đa dạng, thu hút, huyện Châu Thành xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn, giải nhì thị xã Long Mỹ, giải ba huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Các đơn vị còn lại đạt giải khuyến khích. Ban tổ chức còn trao giải xuất sắc nhất dành cho đơn vị diễn tiểu phẩm hay nhất, tự giới thiệu hay nhất, gia đình xuất sắc nhất và 1 giải cá nhân xuất sắc.
|
VĨNH TRÀ