Thực hư chiêu trò rao bán cắt lỗ căn hộ
Tại một dự án được coi là “hạng sang” tại quận Hai Bà Trưng, một số “chủ nhà” rao bán cắt lỗ căn hộ từ 300 triệu – 800 triệu đồng. Đơn cử, một căn hộ full nội thất, diện tích là 100m2 3 phòng ngủ tại dự án này, vào thời điểm đầu năm 2022 có giá trên 5 tỷ đồng, thì nay “chủ nhà” đồng ý cắt lỗ 500 triệu đồng xuống còn 4,5 tỷ đồng, mức giá khoảng hơn 45 triệu đồng/m2.
Cũng tại dự án này, căn hộ 1 phòng ngủ, diện tích 48m2 trước có giá bán 3 tỷ đồng, nhưng nay “chủ nhà” chấp nhận giảm xuống còn 2,5 – 2,7 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Đỗ Kiến Hưng, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Thanh Xuân chia sẻ: Kể từ năm 2020 tới nay, tình trạng “cắt lỗ” chung cư liên tục xuất hiện. Cũng có một số trường hợp “cắt lỗ” thật, nhưng đa phần chỉ là chiêu trò của các môi giới bất động sản.
Ông Hưng chia sẻ, trong bối cảnh nguồn cung chung cư giảm dần đều qua các năm, đặc biệt các sản phẩm căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như biến mất tại Hà Nội, thì không có chuyện cắt lỗ căn hộ.
“Hầu hết, phân khúc căn hộ có giá dưới 35 triệu đồng/m2 tại Hà Nội đều đang tăng giá cả ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp”, ông Hưng nói.
Ví dụ, trên thị trường sơ cấp, một dự án đô thị tại quận Nam Từ Liêm, vào thời điểm tháng 6 năm ngoái, giá bán căn hộ tại dự án này dao động trong khoảng 41 – 42 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 45 – 47 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Hoặc, một dự án đô thị khác tại Gia Lâm, thời điểm tháng 6/2022 có giá bán dao động trong khoảng 30 – 32 triệu đồng/m2, thì nay chủ đầu tư cũng niêm yết giá mới trên 35 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại thị trường thứ cấp, một dự án mới bàn giao vào năm 2020, nằm ngay mặt đường Quang Trung (quận Hà Đông), lúc mở bán có giá khoảng 26 – 29 triệu đồng/m2, tùy vị trí, thì nay các chủ nhà đang giao bán với giá trên 40 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, dự án này đã tăng gần 40% giá trị.
“Như vậy, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung trầm trọng như hiện nay, giá chung cư tăng dễ, nhưng khó giảm”, ông Hưng nói.
Báo cáo quý I năm nay của Batdongsan.com.vn cho thấy, 43% người có nhu cầu mua ở thực đang có tâm lý tiếp tục chờ bất động sản giảm giá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, giá chung cư trong thời gian tới sẽ khó giảm sâu vì các loại hình phục vụ nhu cầu ở thực vẫn đang là điểm sáng của thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá nhà ở Hà Nội đang có xu hướng giảm mạnh, nhưng thực tế không phải như vậy. Bên cạnh đó, giá nhà ở hiện tại cũng đã cao hơn rất nhiều so với thời điểm chủ đầu tư bắt đầu triển khai, nên chiết khấu cao được xem là chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư.
“Trong năm nay, phân khúc căn hộ chung cư ở thị trường Hà Nội sẽ được quan tâm nhiều hơn sản phẩm thấp tầng, do mức giá của sản phẩm thấp tầng đang ở mức cao”, ông Đính nêu.
Ngoài ra, theo ông Đính và nhiều chuyên gia đều chung quan điểm về việc khủng hoảng nguồn cung trên thị trường chưa thể giải quyết trong ngắn hạn và theo quy luật thị trường, khi nhu cầu lớn nhưng sản phẩm trở nên hiếm hoi hơn thì đương nhiên giá sẽ tăng chứ không thể giảm.
Có trường hợp cắt lỗ thật
Như ông Hưng đã chia sẻ, cũng có một số trường hợp cắt lỗ là thật, nhưng hiếm thấy. Đơn cử, chủ nhà làm ăn thua lỗ cần tiền gấp, nên chấp nhận bán “cắt lỗ” để thu hồi vốn.
“Kinh tế khó khăn, không thiếu các trường hợp các doanh nhân phải bán nhà, bán xe để lấy tiền duy trì công ty. Trường hợp này có, nhưng không nhiều. Đa phần chủ nhà sẽ bán cho người quen với giá tốt”, ông Hưng nói.
Thứ hai, các dự án dính “scandal”, như chất lượng căn hộ không tương xứng với giá tiền, hoặc dự án nhiều sai phạm trong xây dựng, thiết kế dẫn đến việc không đủ tiêu chuẩn cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” cho cư dân, cũng khiến nhiều người chấp nhận “cắt lỗ” để tìm dự án khác.
“Ở Hà Nội không thiếu các dự án căn hộ có sai phạm trong xây dựng và thiết kế, nhiều người mua nhà cả chục năm nay chưa nhận được sổ đỏ. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ cắt lỗ để tìm dự án khác”, ông Hưng nói.
Thứ ba, có trường hợp chủ nhà mua căn hộ sở hữu 50 năm, sau khoảng 10 – 15 năm chấp nhận “cắt lỗ” để tìm dự án khác.
“Trường hợp này không nhiều, nhưng cũng có. Bởi vì, những dự án căn hộ có sở hữu lâu dài, hay vĩnh viễn sẽ có giá cao hơn các căn hộ sở hữu 50 năm. Trong quá trình sử dụng sẽ bị trừ khấu hao vào giá bán, nên mới có tình trạng cắt lỗ”, ông Hưng nói.
Cuối cùng, trường hợp dễ thấy nhất là các dự án căn hộ cao cấp, giá trên trời bị “ế” hàng, không bán được hàng nên phải “cắt” lỗ để đẩy hàng đi nhanh.
“Cơ cấu phân khúc căn hộ tại Việt Nam có tình trạng thiếu trầm trọng sản phẩm vừa túi tiền, nhưng lại thừa căn hộ cao cấp. Do cung vượt cầu, nên khi sang nhượng, chủ nhà phải chấp nhận cắt lỗ”, ông Hưng chia sẻ.