Quảng Ninh: Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu, trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ xây dựng kế hoạch, hoàn thành đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm theo từng ngành, lĩnh vực được giao và dựa trên 3 đột phá về hạ tầng, dữ liệu số, nguồn nhân lực.
Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục tạo ra những tiện ích mới, tối ưu để phục vụ giải quyết thủ tục trực tuyến và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ kinh tế – xã hội nhất là ở lĩnh vực du lịch, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo… Tỉnh rà soát, đề nghị các nhà cung cấp có thể lắp 5G ở những vị trí thuận lợi khai thác; hoàn thành phủ sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là mục tiêu cụ thể hoàn thành trong năm 2022, đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương theo phương châm “rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả” để triển khai thực hiện.
Đối với 27 mục tiêu được đề ra trong năm 2022, đến nay, Quảng Ninh đã có 3 mục tiêu hoàn thành gồm: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Về xây dựng chính quyền số, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 70%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 78%; hoàn thành việc kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử; đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, Trung tâm hành chính công, điện, nước đều đã triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang Trần Minh Chiêu, từ nay đến hết năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn.
Sở Thông tin và Truyền thông duy trì, vận hành tốt Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; duy trì, quản trị, vận hành hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP), hệ thống Hội nghị trực tuyến tỉnh, hệ thống Thông tin báo cáo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống Thư điện tử công vụ tỉnh, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành công việc dùng chung…
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Mobile Money tới người dân trên địa bàn. Sở phối hợp cùng cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng hiệu quả các dự án: Xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh; Xây dựng, phát triển Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Giang; Số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính còn hiệu lực, có phát sinh hồ sơ của các sở, ngành…
Từ nay đến hết năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thúc đẩy phát triển, sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, kho tài nguyên giáo dục số quốc gia trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng điện tử, cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tuyên truyền, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMESx) và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số…Công an tỉnh đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, tất cả công dân trên địa bàn đều phải có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác và vận hành Hệ thống camera an ninh phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn…
Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh triển khai đồng bộ hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ quản lý hành chính các lĩnh vực và thực hiện tiếp nhận, kế thừa, sử dụng cơ sở dữ liệu, nền tảng số quốc gia được Trung ương đầu tư, xây dựng; bảo đảm tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; huy động sự tham gia của tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Tây Ninh: Hướng tới quyền số, kinh tế số, xã hội số
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số ở mức khá trở lên; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số; khuyến khích hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; là nhiệm vụ cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách.
Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng cho tỉnh.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số; thường xuyên tuyên truyền các giải pháp đã được triển khai trên địa bàn, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân.
Vĩnh Phúc: Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước
Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh, quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh dù mới khởi đầu nhưng đã đi đúng hướng. Công tác cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện, tạo môi trường, đồng thời thực hiện nguyên tắc áp đặt, bắt buộc trước, tự nguyện sau, thông qua việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải chủ động và chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Với những nỗ lực trên, năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuyển biến tích cực, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.
Trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc. Tỉnh đã thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung, kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối cơ sở dữ liệu của mình đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.
Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật, bảo đảm an toàn an ninh thông tin và điều kiện vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Phần mềm quản lý văn bản tập trung được triển khai thống nhất đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương. Phần mềm đã kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu văn bản đến và khoảng 278 nghìn văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản, ước tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 96%; các sở, ban, ngành đạt 99%, UBND các huyện, thành phố đạt 96%; UBND các xã, phường, thị trấn đạt 93%.
Để tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số tốt hơn, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh) khẩn trương hoàn thành các bước xây dựng hai Nghị quyết trình HĐND tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh gồm Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công toàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026, Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tiến độ, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, báo cáo UBND tỉnh. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; hình thành các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế… của tỉnh; thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh và xã hội số của tỉnh theo hướng bền vững…/.