Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, thời gian qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn này đã giúp nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ khởi nghiệp trên quê hương.
Tiếp sức vốn vay ưu đãi
Hợp tác xã (HTX) Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam (2 cơ sở sản xuất ở thôn Phú Bình và Phú Thạnh, xã Tam Phú, Tam Kỳ và 1 showroom ở 22 Thạch Lam, TP.Tam Kỳ) tiên phong trong xu thế khởi nghiệp của tỉnh.
Các sản phẩm của HTX như trà túi lọc đông trùng hạ thảo hay đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa vừa là các sản phẩm OCOP 3, 4 sao và cũng là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Anh Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam cho biết: “Trong khó khăn lúc đầu khởi nghiệp tôi may mắn được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam cho vay 500 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị để sản xuất. Tôi cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp khác có quyết tâm, năng động, sáng tạo nhưng nếu không được tiếp ứng vốn lãi suất thấp thì khó làm nên chuyện”.
Đến nay, HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam sản xuất được khoảng 25kg nấm/tháng, doanh thu hàng trăm triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động. Anh Luận cũng đã chuyển giao quy trình sản xuất, công nghệ cho 10 cơ sở trong và ngoài tỉnh.
“Việc này ban đầu không dễ quyết định bởi rất khó chia sẻ bí quyết khởi nghiệp của mình cho người khác. Tôi quyết định chuyển giao vì muốn giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp” – anh Luận nói.
Theo anh Luận, HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam đang sở hữu máy sấy công nghệ cao – sấy thăng hoa, nhờ đó sản phẩm nấm được giữ nguyên dưỡng chất, hình dạng, màu sắc, đảm bảo đạt nguyên chất 100% hữu cơ… Anh cho biết tiếp tục nghiên cứu để tăng quy mô sản xuất để chinh phục các thị trường khó tính.
Khởi nghiệp Quảng Nam in đậm dấu ấn đồng hành, tiếp sức của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX – ông Nguyễn Hữu Ngộ cho biết, nguồn vốn dành cho khởi nghiệp hiện nay xấp xỉ 29,4 tỷ đồng trong tổng số 97 tỷ đồng dư nợ với 38 HTX ở mức vay 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Vốn cho vay khởi nghiệp hầu như không có nợ quá hạn, nợ xấu.
Từ bệ đỡ tín dụng chính sách
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lớn hơn cho sản xuất, gặt hái nhiều kết quả trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Như vợ chồng chị Diệp Thị Thảo Trang và anh Nguyễn Quốc Tuấn (thôn Nam Hà, xã Bình Dương, Thăng Bình) đều tốt nghiệp cao học, đã có công việc ổn định rồi rẽ ngang khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ và du lịch trải nghiệm.
Sản phẩm rau quả của chị Trang đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Địa điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở xã Bình Dương cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nhất là học sinh.
“Tôi hài lòng với quá trình khởi nghiệp của mình. Kết quả mà tôi đạt được có sự trợ giúp lớn từ vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình” – chị Trang nói.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, Tam Kỳ) thành công với mô hình khởi nghiệp bằng việc “đánh thức” những giá trị của quả nhàu dân dã. Khai thác những giá trị về dược tính của quả nhàu, chị Nhung đã tạo ra nhiều sản phẩm như nhàu lát khô, bột nhàu hay trà túi lọc nhàu. Sản phẩm đang được mở rộng ở thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu.
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, nhận thấy thanh niên rất cần vốn ưu đãi khởi nghiệp nên đơn vị đã phối hợp với Huyện đoàn tuyên truyền, định hướng sử dụng vốn cho đoàn viên thanh niên. Đến nay, kênh dẫn vốn cho thanh niên khởi nghiệp suôn sẻ.
Ông Hoàng Thanh Lân – Trưởng phòng Kế hoạch – nghiệp vụ tín dụng (Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đưa tín dụng chính sách đến với thanh niên khởi nghiệp. Sản xuất kinh doanh của thanh niên khởi nghiệp đôi khi gặp khó khăn đều được ngân hàng kịp thời tháo gỡ.