Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, phương tiện tác nghiệp thiếu thốn, song các phóng viên, biên tập viên của Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bắc Yên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, bám sát cơ sở để tác nghiệp, khai thác, tiếp cận thông tin, kịp thời cổ vũ các phong trào thi đua lao động sản xuất, phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân.
Huyện Bắc Yên có 16 xã, thị trấn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, địa hình chia cắt bởi vùng cao, vùng lòng hồ; nhiều tuyến đường vào xã, bản, mùa mưa đi lại rất khó khăn, thậm chí tắc đường do sạt lở đất, đá, nhiều khi các phóng viên phải đi bộ cả quãng đường dài. Các phóng viên Trung tâm thường xuyên bám cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân; phát hiện những đề tài hay, gương người tốt, việc tốt, để có những tác phẩm báo chí có chiều sâu và tác dụng tích cực, lan tỏa đến cộng đồng. Cũng chính trong khó khăn, vất vả đã rèn luyện cho đội ngũ phóng viên nơi đây trở nên đa năng hơn, khi một mình vừa phải tự quay phim, tự viết, dựng hình và tự dẫn chương trình.
Gắn bó 18 năm trong nghề, anh Hạng Chờ La, phóng viên của Trung tâm, chia sẻ: Đi công tác các xã, nhất là vào mùa mưa khổ lắm, vác máy, cuốc bộ, lội suối là chuyện thường. Hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào mình nên việc tác nghiệp cũng thuận lợi hơn. Mỗi tác phẩm làm ra được bà con đón nhận, áp dụng và làm theo các mô hình hay là nguồn động viên để chúng tôi thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.
Nghề báo gian nan, đầy thử thách, đặc biệt với những phóng viên nữ; nhưng, với tình yêu và sự đam mê với nghề, phóng viên Mùa Thị Lầu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và có các tác phẩm đoạt giải cao tại liên hoan phát thanh – truyền hình tỉnh. Chị Lầu còn đảm nhận công tác biên tập, biên dịch, phát thanh viên sản xuất các chương trình truyền thanh tiếng Mông phục vụ nhu cầu nghe đài của bà con. Chị Mùa Thị Lầu cho biết: Những chuyến đi ở cơ sở, tôi được ăn, ở, hòa mình cùng với cuộc sống của người dân giúp tôi có được những tác phẩm chân thực mang hơi thở cuộc sống.
Mặc dù số lượng phóng viên, biên tập viên của Trung tâm ít, nhưng với những nỗ lực từ khâu lựa chọn đề tài, hoàn thành tác phẩm và sản xuất hậu kỳ, chất lượng sản phẩm của các chương trình của Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bắc Yên đang ngày càng được nâng cao, thu hút được sự quan tâm của khán, thính giả.
Hiện nay, hằng tuần, Trung tâm thực hiện 4 chương trình phát thanh tiếng phổ thông, 2 chương trình phát thanh tiếng Mông; thực hiện 2 trang truyền hình cơ sở/tháng phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh; nhiều tin, bài đăng tải trên cổng thông tin của huyện, cộng tác với cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương bảo đảm kịp thời, nhanh chóng. Các tác phẩm phát thanh, truyền hình phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống trên địa bàn huyện Bắc Yên. Trong đó, nổi bật là tuyên truyền về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương người tốt việc tốt; những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Ông Mùa A Dê, xã Háng Đồng, chia sẻ: Các chương trình của Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện đã trở thành người bạn thân thiết của người dân vùng cao chúng tôi. Qua các chương trình phát thanh, truyền hình giúp chúng tôi nắm bắt các hoạt động, thông tin diễn ra trên địa bàn huyện hàng ngày; các mô hình phát triển kinh tế hay để học tập, áp dụng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vượt lên những khó khăn, những phóng viên, biên tập viên ở Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bắc Yên luôn đam mê, sáng tạo, mang hơi thở cuộc sống vào từng tác phẩm, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, đưa các tác phẩm báo chí ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện có những định hướng phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với từng địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững nơi vùng cao còn nhiều khó khăn
Huy Thành