Các ngân hàng trung ương cần nhanh hơn trong nhiệm vụ chống lạm phát, EU tiếp tục trừng phạt Nga, niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng cao, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 2023, Đức nhận tin vui… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
EU thông qua gói trừng phạt thứ 11 áp đặt lên Nga. (Nguồn: Export.org.uk) |
Kinh tế thế giới
Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu ngày càng gian nan
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phát đi một thông điệp: nếu chậm chân, các ngân hàng trung ương sẽ không thể giành phần thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Sau khi bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey nhận định: “Nếu chúng ta không nâng lãi suất bây giờ, tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn”.
Dù lạm phát đang chậm lại ở nhiều nước sau nhiều đợt nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương đặt ra.
Nâng lãi suất là công cụ chủ yếu mà các ngân hàng trung ương có để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, có một độ trễ ít nhất 12 tháng từ lúc ngân hàng trung ương hành động cho đến khi hành động đó phát huy tác dụng lên nền kinh tế.
Đó là lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng Ba năm ngoái. Nhưng nhiều quan chức Fed phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng lên vào tháng tới, vì cùng giống như ông Bailey, Fed không muốn đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát lạm phát nếu không hành động ngay từ bây giờ.
Một trong những lý do các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong kiềm chế lạm phát là nhiều khu vực nhất định của nền kinh tế đang không phản ứng với việc tăng lãi suất. Ví dụ, giá dịch vụ tại Mỹ, không tính năng lượng, trong tháng Năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,2% ghi nhận vào tháng 5/2022, cho thấy xu hướng tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn kéo dài.
Khi lạm phát trở nên dai dẳng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ càng khó để kiềm chế. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Vấn đề chỉ là các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng để nền kinh tế chịu bao nhiêu tổn thất từ việc tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mong muốn. (CNN)
Kinh tế Mỹ
* Kết quả khảo sát của tổ chức Conference Board công bố ngày 27/6 cho thấy, tháng 6/2023, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng qua, đạt 109,7, tăng từ mức 102,5 của tháng 5, chủ yếu nhờ triển vọng tích cực về tài chính của các hộ gia đình.
Trong tháng 6, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cho thấy, người dân Mỹ lạc quan về khả năng tài chính của mình bất chấp các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed nhằm kiềm chế lạm phát. (Reuters)
* Viện Dầu mỏ Mỹ (API) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,408 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6. Trong khi đó, các nhà phân tích đã dự đoán mức giảm trong tuần này là 1,467 triệu thùng. API đã báo cáo mức giảm 1,246 triệu thùng trong tuần trước đó.
Theo nhà phân tích Vladimir Zernov của công ty cung cấp thông tin thị trường FX Empire, các thị trường dầu mỏ chịu sức ép khi các nhà giao dịch tập trung vào phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Lagarde cho thấy, ECB sẵn sàng tăng lãi suất, động thái sẽ gây thêm sức ép lên nền kinh tế và có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ. (THX)
Kinh tế Trung Quốc
* Phát biểu với các phái đoàn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thành phố Thiên Tân ngày 27/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II sẽ cao hơn quý I, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được dự đoán sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%.
Theo ông Lý Cường, Trung Quốc sẽ ban hành các chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và mở cửa các thị trường, cũng như tiếp tục giữ vai trò là một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế toàn cầu. (Reuters)
* Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), các công ty trong ngành công nghiệp chủ chốt của nước này báo cáo lợi nhuận giảm trong tháng 5/2023.
Các công ty công nghiệp có doanh thu chính hàng năm ít nhất là 20 triệu NDT (khoảng 2,77 triệu USD), tổng lợi nhuận là 635,81 tỷ NDT trong tháng 5/2023, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước, thu hẹp từ mức giảm 18,2% trong tháng 4/2023.
Trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 1,8 điểm phần trăm so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2023. Tổng doanh thu của các công ty này tăng 0,1%. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 11 áp đặt lên Nga kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp nhằm chống lại việc lách luật trừng phạt và bổ sung 87 thực thể mới vào danh sách những thực thể “trực tiếp hỗ trợ tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga”. (Reuters)
* Quyền Đại diện Thường trực của Nga tại EU Kirill Logvinov nhận định, mục tiêu của gói trừng phạt thứ 11 mà khối này áp đặt đối với Moscow là nhằm đưa “cuộc chiến” kinh tế chống Nga lên cấp độ mới.
Đại diện Nga cho rằng, EU khó có thể khuyến khích các nước thứ ba tham gia trừng phạt thông qua một số nỗ lực ngoại giao và “cuộc chiến” chống lách lệnh trừng phạt của khối dự kiến sẽ kéo dài. (TASS)
* Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC sẽ giảm một nửa quy mô trụ sở chính toàn cầu và rời khỏi Canary Wharf, một khu thương mại được xây dựng tại phía Đông London (Anh) vào những năm 1980.
Ngày 26/6, HSBC xác nhận sẽ từ bỏ hợp đồng thuê tòa tháp 8 Canada Square (còn gọi là Tháp HSBC) để chuyển sang một tòa nhà nhỏ hơn, gần trung tâm thành phố hơn. Quyết định trên được HSBC công bố sau những động thái tương tự của các công ty lớn khác đang từ bỏ không gian văn phòng đắt đỏ trên khắp thế giới. (CNN)
* Ngày 27/6, EU và Vương quốc Anh đã hoàn tất việc ký kết thỏa thuận hợp tác về các dịch vụ tài chính, nhằm thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng, cùng có lợi giữa hai bên.
Thỏa thuận phản ánh sự “ấm lên” của mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Manche, được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quan hệ hậu Brexit giữa Anh và EU. (TTXVN)
* Hãng thông tấn RIA dẫn một nguồn tin ngày 28/6 nhận định khả năng Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7 vẫn cao, bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Moscow đã nhiều lần phàn nàn rằng Nga không nhận được những gì họ muốn từ thỏa thuận, vốn cho phép ngũ cốc được vận chuyển từ cảng Ukraine. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 18/7 tới. (Reuters)
* Niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 6/2023, do những dự báo về tương lai có chiều hướng u ám hơn bao phủ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Số liệu về niềm tin kinh doanh của Viện kinh tế Ifo (Đức) dựa trên khảo sát 9.000 công ty đã giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 88,5 điểm so với mức 91,7 điểm trong tháng 5/2023, trong khi các nhà phân tích do công ty dữ liệu tài chính FactSet khảo sát kỳ vọng số liệu này ở mức 90,8 điểm.
Các viện kinh tế hàng đầu của Đức, bao gồm cả Ifo, dự đoán GDP nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,2% trong năm 2023 do những dự báo về tương lai có chiều hướng u ám hơn. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 28/6 cho biết, doanh thu thuế tính đến thời điểm tháng 11/2022 đã đạt 68.300 tỷ Yen (khoảng 472 tỷ USD) và ước đạt trên 71.000 tỷ Yen (khoảng 491 tỷ USD) trong tài khóa 2022, phá vỡ kỷ lục 67.000 tỷ Yen ( khoảng 465 tỷ USD) của tài khóa 2021, lần đầu tiên vượt qua mốc 70.000 tỷ Yen.
Doanh thu của ba loại thế cốt lõi là thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và thuế doanh nghiệp đều tăng, trong đó, doanh thu thuế thu nhập dự kiến sẽ tăng từ 21.000 tỷ Yen của tài khóa 2021 lên mức 22.000 tỷ Yen. (TTXVN)
Doanh thu thuế của Nhật Bản tính đến thời điểm tháng 11/2022 đạt 68.300 tỷ Yen. (Nguồn: Getty) |
* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ngày 28/6 thông báo, nước này có kế hoạch tăng doanh thu ở nước ngoài lên 15 tỷ USD vào năm 2027, phù hợp với nỗ lực đa dạng hóa danh mục xuất khẩu và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành nông nghiệp.
Mức mục tiêu trên ghi nhận mức tăng mạnh so với doanh thu 8,82 tỷ USD trong năm 2022. (Yonhap)
* Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, tài sản tài chính ở nước ngoài của Hàn Quốc đã ghi dấu sự sụt giảm lần đầu tiên trong khoảng hai thập niên do thị trường chứng khoán toàn cầu xuống dốc.
Theo BoK, tài sản tài chính ở nước ngoài thuộc sở hữu của người Hàn Quốc, không bao gồm dự trữ ngoại hối, đứng ở mức 1.745,6 tỷ USD vào cuối năm 2022, giảm 16,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, các tài sản tài chính ở nước ngoài của Hàn Quốc lần đầu tiên trượt dốc kể từ năm 2002. (THX)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Trong một bài viết đăng ngày 26/6, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong việc chuyển đổi ASEAN sang một nền kinh tế tuần hoàn và chuẩn bị cho khu vực hướng tới một tương lai bền vững.
Theo ông Hourn, các MSME thường được coi là những người hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tại ASEAN, MSME chiếm 85% việc làm và 44,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Các doanh nghiệp này cung cấp các nguồn thu nhập và sinh kế chính cho một số lượng đáng kể cá nhân và hộ gia đình.
Thông qua quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương khác, MSME là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị, cho phép khách hàng tiếp cận nhiều loại sản phẩm và phục vụ cộng đồng địa phương. (TTXVN)
* Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif cho biết, quốc gia này có kế hoạch nâng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học từ dầu cọ lên 40% trong vài năm tới, song hiện sẽ giữ nguyên ở mức 35%.
Từ tháng 2/2023, Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – đã tăng tỷ lệ pha trộn bắt buộc từ mức 30% (B30) lên 35% (B35), tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ ở một số khu vực.
Ông Arifin khẳng định, Indonesia muốn tối đa hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước và giảm sự phụ thuộc vào dầu thô. Hiện các cơ quan chức năng đã hoàn tất nghiên cứu và thử nghiệm đường trường đối với B40. (TTXVN)
* Ngày 27/6, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 5/2023 đã giảm 4,6% so với một năm trước đó.
Mức giảm này thấp hơn dự báo giảm 8% trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters, đồng thời cũng thấp hơn mức giảm 7,6% của tháng 4/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu, động lực chính cho tăng trưởng của Thái Lan, yếu đi do nhu cầu toàn cầu chậm lại nhưng các quan chức cho biết đồng Baht yếu hơn sẽ hỗ trợ phần nào.
Bộ trên vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 1-2% cho cả năm 2023. (TTXVN)