Một buổi trưa TP.HCM hanh hao nắng, tôi ghé tiệm kem Vi Bổn của gia đình bà Chinh nằm trên đường Nguyễn Huy Tự (P.Bến Nghé), cảm nhận hết được sự mát lành của hương vị tuổi thơ.
Nuôi sống 4 thế hệ trong một gia đình
Mở bán từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối, tiệm kem này không ồn ào, không tấp nập nhưng đều đặn khách ghé mua sỉ và lẻ. Đầu giờ trưa, tôi ghé tiệm, chừng 5 người bên trong mỗi người một việc. Đàn ông thì tất bật, mồ hôi ướt áo với công việc làm kem, phụ nữ thì đóng gói, tư vấn và bán hàng cho khách.
[CLIP]: Tiệm kem 65 năm làm ngày nào bán hết ngày đó.
Tay thoăn thoắt cho đậu phộng vào từng túi nhỏ, bà Chinh (chủ tiệm hiện tại) cho biết những phần này sẽ được đưa kèm cho khách khi mua kem ký ở đây. Nhân lúc mới mở cửa, khách còn chưa đông lắm, bà kể cho tôi nghe câu chuyện về một quán kem hiếm hoi ở TP.HCM có thâm niên gần 7 thập kỷ.
Theo lời bà Chinh, tiệm kem được thành lập năm 1958 do cụ Lý Thân và vợ (ông bà của bà) thành lập. Trước đó, hai cụ sang Campuchia học nghề rồi về lại Sài Gòn, chọn chợ Đa Kao làm nơi lập nghiệp. Thời đó, chợ Đa Kao chỉ là chợ chồm hổm, chỉ có vài căn nhà xung quanh còn cỏ thì mọc um tùm.
Sống được với nghề này, vợ chồng cụ Lý Thân dạy cho 7 người con trai bí quyết. Sau này, các con của 2 cụ mở thêm 2 tiệm ở đường Tùng Thiện Vương (Q.8) và Phạm Đình Hổ (Q.6). Một người cháu nội của cụ cũng mở một tiệm ở cầu Nhị Thiên Đường. Chưa kể, ông Lý Vĩnh Phát – một người con của vợ chồng cụ Lý Thân cũng mở tiệm ở Châu Đốc (An Giang) làm kem ống, cũng lấy tên Vi Bổn.
Qua bao thăng trầm, những tiệm kem đó đều không còn do những con, cháu của cụ Lý Thân đổi nghề, đổi nơi ở, có người qua Mỹ. Duy chỉ có tiệm kem ở khu Đa Kao này được ông Lý Vĩnh Đạo và bà Võ Thị Hai, là cha mẹ của bà Chinh gìn giữ và truyền lại đến đời của bà.
Hỏi về ý nghĩa của cái tên Vi Bổn, bà chủ từ tốn giải thích: “Bổn” là bổn mạng, là cuộc sống còn “Vi” là vì. Vi Bổn có nghĩa là tiệm kem này chính là bổn mạng, là cuộc sống của gia đình nên cỡ nào cũng phải gìn giữ.
“Nhờ tiệm kem này đã nuôi lớn 4 thế hệ trong gia đình tôi khôn lớn, trưởng thành và có được cuộc sống như ngày hôm nay. Đây là cái nghề và cũng là cái nghiệp, là công sức của ông bà, cha mẹ, của vợ chồng tôi và của cả các con tôi bây giờ. Mẹ tôi đã mất 6 năm về trước nên bản thân tôi càng ý thức được mình phải gìn giữ cái nghề truyền thống của gia đình đến khi nào không còn sức lực làm nữa thì thôi “, bà Chinh chia sẻ.
Hương vị tuổi thơ giữa phố thị
Giới thiệu về tiệm kem của mình, bà Chinh nói rằng tiệm được giữ nguyên suốt những năm qua vẫn vậy. Nhiều người đến đây mua kem để hoài niệm lại hương vị tuổi thơ của mình bởi tiệm này từng phân phối kem cho không biết bao nhiêu người bán cà rem dạo khắp TP.HCM.
“Từ nhỏ tôi đã thấy mẹ mình bán kem, Mấy người bán dạo với cái chuông leng keng đứng xếp hàng dài chờ lấy. Hồi đó gia đình tôi phải chia làm 2 ca bán ngày đêm vì nhu cầu cao lắm. Sau này, mấy ai còn bán dạo đâu!”, bà hoài niệm.
Nhưng không phải vì thế quán kem này trở nên ít khách hơn. Ngược lại, nhiều người vẫn ghé đây ăn vì muốn tìm lại hương vị ngày nhỏ, cũng có nhiều chủ tiệm tạp hóa nhập kem ký về bán. Tất cả nhờ một bí quyết là kem của bà được làm từ những nguyên liệu tươi, không dùng phẩm màu và khi khách ăn sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
Thêm một điều đặc biệt nữa, chính là quán làm kem ngày nào sẽ bán hết ngày đó chứ không để thừa qua hôm sau. Hẳn vì lẽ đó mà vị kem lúc nào cũng tươi mới.
Công thức làm kem giữ nguyên mấy chục năm không đổi.
Trưa nắng chang chang, chị Bích Trâm (con gái bà Chinh) mời tôi một que kem mát lạnh. Cắn một miếng kem tan chảy trong miệng, tôi nhớ đến hình ảnh những người chạy xe đạp chở những thùng kem đi dọc khắp các con đường quê ngày xưa. Mỗi khi họ đi qua gõ chuông leng keng là tôi đòi cha mẹ mua cho bằng được. Que kem đơn giản đó đã tưới mát một khung trời tuổi thơ đầy hoài niệm và thân thương.
Ở đây, bà chủ giới thiệu có 6 loại kem que và 8 loại kem ký khác nhau. Kem que giá chỉ từ 4.000 đồng – 6.000 đồng, còn kem ký bán 55.000 đồng/nửa ký. Mức giá được xem là khá hợp lý ở trung tâm TP.HCM.
“Tôi chỉ mua kem chỗ này, mấy chục năm rồi!”
Vì bắt đầu làm kem khi trời đã sáng, nên bà chủ nói rằng chừng 1 – 2 giờ chiều mới có đầy đủ các loại kem như giới thiệu. Có loại kem nào, bà chủ lại tỉ mẩn ghi lên tấm bảng dán phía trước quán để khách dễ dàng lựa chọn.
Bà Lệ (65 tuổi, chủ một tiệm tạp hóa) trưa trưa cũng ghé tiệm kem này nhập về để bán như thường lệ, cứ như vậy suốt mấy chục năm qua. Bà cho biết từ đó tới giờ, bà vẫn nhập kem ở đây về bán phần vì giá phải chăng, phần vì khách ăn rất thích.
“Khách ăn kem và khen hoài, dù là khách mới hay khách cũ. Từ xưa giờ tôi chỉ mua kem chỗ này về bán thôi, mấy chục năm qua không thay đổi. Tiệm từ đó tới giờ cũng duy nhất chỉ có một mặt bằng ở đây chứ không dời đi đâu”, vị khách cười cho biết.
Còn bà Thúy Hằng (64 tuổi, ngụ Q.1) cũng là một vị khách trung thành của tiệm từ nhỏ tới giờ. Bà cho biết hồi xưa, bà vẫn được cha mẹ dẫn tới đây mua kem và vị kem ở đây đã trở thành hương vị tuổi thơ mà lâu lâu không ăn là bà thấy nhớ. Sau này, bà cũng dẫn con, giờ là cháu ghé đây mỗi lúc rảnh rỗi vì nhà cách tiệm không xa.
Tiến lại hỏi chuyện chị Bích Trâm, tôi bất ngờ khi biết chị đã ở tuổi 40 vì nhìn chị còn quá trẻ. Trước đó, tôi đoán chừng chị 25, 26 tuổi là cùng. Chị tốt nghiệp đại học ngành học về dịch vụ và làm việc trong một khách sạn ở TP.HCM một thời gian. Sau đó, chị sinh con, dịch Covid-19 ập tới khiến chị gắn bó với tiệm kem của cha mẹ đến giờ.
“Tôi thì không biết có kế thừa hay không, nhưng giờ tôi vẫn cùng mẹ buôn bán kem và thấy thân thương với công việc này. Nếu sau này mẹ để lại cho mình thì mình bán thôi”, chị cười tươi, nhìn mẹ.
Còn bà Chinh thì nói bà có 2 người con, người con trai hiện đang làm một công việc khác không liên quan tới nghề truyền thống của gia đình. Bà sẽ bán đến khi nào không còn sức và mong rằng sẽ có thế hệ tiếp theo kế thừa cửa tiệm truyền đời lưu dấu bao ký ức của gia đình.