Hiệu quả từ các địa phương
Để bảo đảm tốt vệ sinh môi trường trên địa bàn, huyện Thọ Xuân đã xây dựng Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025”. Đến nay, có 7 xã trên địa bàn huyện hợp đồng với các đơn vị dịch vụ để thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý, với tổng khối lượng thu gom khoảng 19 tấn/ngày; 27 xã, thị trấn đã quy hoạch bãi rác ngay tại địa phương để xử lý. Ngoài ra, huyện Triệu Sơn phối hợp với Sở TN&MT tổ chức định kỳ mở lớp tập huấn công tác TN&MT cho chủ tịch UBND cấp xã, công chức địa chính, công chức môi trường các xã, thị trấn.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện được tăng cường và đạt nhiều kết quả.
Tại huyện Hoằng Hóa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT, Phòng TN&MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh. Đến nay, toàn huyện có khoảng 15.000 thùng đựng rác các loại đạt chuẩn. Đầu năm 2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã có Công văn số 1983/UBND-TNMT chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kêu gọi, vận động người dân cùng nhau đồng lòng thực hiện “mô hình thùng rác xanh” và đã có 61.544 hộ tham gia “mô hình thùng rác xanh” với tổng số lượng trên 8.800 thùng.
Là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Thiệu Hóa tập trung chỉ đạo đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn, thời gian phân giải nhanh để bảo đảm sản phẩm an toàn, sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và an toàn cho môi trường. Cuối năm 2022, huyện hợp đồng với Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường tổ chức thu gom được 2,4 tấn rác thải nguy hại đồng ruộng và rác thải nguy hại sinh hoạt khác đem đi xử lý. Đồng thời, huyện bố trí nguồn kinh phí mua hóa chất cung cấp cho các xã, thị trấn để xử lý việc ô nhiễm môi trường tại các khu chăn nuôi, khu bãi rác tập trung trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật và tổ chức thanh tra, kiểm tra thủ tục hành chính về BVMT.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Hoạt động BVMT được các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa gắn với các phong trào thi đua, xây dựng đề án, cuộc vận động lớn của hội. Tiêu biểu như cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “Chống rác thải nhựa”… Hội đã hỗ trợ xây mới hàng nghìn nhà vệ sinh mỗi năm thông qua Đề án “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa”, Dự án “Cải thiện vệ sinh và cấp nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ – WOBA”, quỹ vệ sinh quay vòng… Đến thời điểm này, các địa phương đều có những mô hình, như: “Nhà sạch – vườn đẹp”; “Hàng rào xanh”; “Đường hoa phụ nữ”; “Đoạn đường xanh”; “Ban công xanh”; “Mỗi gia đình có một vườn rau sạch”; “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ”…
Đến nay, phụ nữ toàn tỉnh đã tham gia xây dựng được hàng nghìn km đường hoa, hàng rào xanh, đường tranh, trên 3.000 nhà sạch – vườn mẫu, nhà sạch – vườn đẹp được gắn biển, có hơn 620.000 hộ đạt 8 tiêu chí 5 không, 3 sạch…
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023 vừa qua, Đoàn Thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động BVMT. Theo đó, Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã phối hợp với Thành đoàn TP. Sầm Sơn, Đoàn thanh niên phường Quảng Cư, Công ty môi trường Sầm Sơn và 150 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học làm sạch hơn 1km bãi biển và trao gần 100 lá cờ cho thuyền viên trên địa bàn phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn. Đoàn viên Đoàn thanh niên các đơn vị Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 2, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với UBND phường Tĩnh Hải và Trường THPT Tĩnh Gia III, tổ chức hoạt động ra quân “Làm sạch biển” trên địa bàn phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn. Đẩy mạnh phong trào Chủ nhật xanh, ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, tặng thùng rác, làn xách đi chợ cho các huyện, thị xã tại Thanh Hóa.
Cùng với đó, các sở giáo dục từ bậc học mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp, lồng ghép kiến thức, kỹ năng giáo dục BVMT vào nội dung chương trình môn học. Bậc học mầm non đã thực hiện giáo dục môi trường thông qua hoạt động vui chơi theo chuyên đề “Bé làm quen với môi trường xung quanh”; bậc tiểu học với các môn học: Giáo dục sức khỏe, tìm hiểu tự nhiên, xã hội; bậc THCS, THPT lồng ghép chương trình giáo dục BVMT trong nhiều môn học, đặc biệt là môn Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân, Hóa học; tăng cường triển khai dạy học STEM, dạy học thông qua các hoạt động trải nghiệm, thiết thực, ý nghĩa cho cán bộ, giáo viên, học sinh… Ngoài ra, nhiều trường học còn phát động phong trào nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm về chủ đề BVMT, chống rác thải nhựa; tổ chức trưng bày các sản phẩm, đồ dùng tái chế từ đồ nhựa đã qua sử dụng, xây dựng các mô hình thư viện xanh, nhà rác,…
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa: Để công tác BVMT thực sự hiệu quả, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương Thanh Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Thủy