Mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, một trong những sản phẩm du lịch xanh của xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), đang khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến đây.
Huyện Bát Xát – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nằm cách thành phố Lào Cai 12 km. Phía Bắc giáp huyện Kim Bình, phía Đông giáp huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thị xã Sa Pa, phía Tây giáp huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 33,21%, dân tộc Dao chiếm 27,86%, dân tộc Giáy chiếm 15,12%, dân tộc Kinh chiếm 15,65%, dân tộc Hà Nhì chiếm 5,88%, các dân tộc còn lại chiếm 2,28%.
Bát Xát có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và bề dày truyền thống văn hóa của các dân tộc. Mỗi dân tộc có lễ hội riêng, phong tục tập quán riêng tiêu biểu, như phong tục tắm lá thuốc của người dân tộc Dao đỏ đã người dân nơi đây lưu truyền và sử dụng khá phổ biến.
Từ xưa, tắm lá thuốc đã được người Dao đỏ sử dụng như một phương thuốc giúp phục hồi sức khỏe, người già đau nhức xương khớp, trẻ em phòng trị bệnh ngoài da và đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Nhiều phụ nữ người Dao sau sinh, sử dụng 3 đến 5 nồi thuốc lá, chỉ sau 3 ngày là có thể lên nương làm rẫy.
Phụ nữ Dao đỏ chuẩn bị đóng gói thuốc tắm. Ảnh: Như Quỳnh
Mỗi bài thuốc tắm có từ 25 – 30 loài thảo mộc khác nhau, 2/3 trong số đó chỉ mọc trong rừng tự nhiên, rải rác khắp các khe núi, không phải người nào cũng biết. Bài thuốc tắm của người Dao đỏ có được là do sự kết hợp của các loại thảo dược tốt cho da (kim ngân, lá khế, thìa là, lá vối, long não, hoàng bá nam), tốt cho xương khớp (thanh táo, thổ lục linh, thiên niên kiện, đào rừng, bách quản, tam huyết, tân quy, lá lốt) và có tác dụng đối với đường tiêu hóa (sa nhân, sả, hồi, quế, thủy xương bồ, màng tang, mạn khâu tử…).
Người hái thuốc phải được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ sau, mỗi lần đi hái lá phải luôn tâm niệm: xin phép Thần Rừng, xin phép Tổ tiên. Do vậy người dân nơi đây rất coi trọng việc bảo vệ rừng, bởi rừng là nguồn sống, là báu vật thiêng liêng của người Dao.
Phụ nữ Dao lên rừng hái lá thuốc. Ảnh: TTXVN
Sản phẩm Thuốc tắm của người Dao đỏ không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe mà còn mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách, bảo tồn văn hóa truyền tông, tạo bản sắc văn hóa mang đậm tri thức bản địa của tộc người.
Nhận thức được thế mạnh của địa phương và xu hướng phát triển du lịch hiện nay, năm 2019, chị em phụ nữ xã Phìn Ngan đã lựa chọn mô hình “Tắm lá thuốc người Dao đỏ” để phát triển kinh tế. Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) cùng với các gia đình trong thôn đã cùng đóng góp, đầu tư xây dựng Nhà du lịch cộng đồng.
Để hoạt động hiệu quả, thôn đã thành lập tổ quản lý gồm 12 thành viên là phụ nữ trong thôn trực tiếp vận hành. Đến nay, mô hình đã chứng minh hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng thương hiệu về sản phẩm du lịch xanh của địa phương đồng thời tạo nguồn sinh kế mới cho phụ nữ trong thôn.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ quản lý mô hình của thôn đã đón trung bình 3.000 lượt khách/năm (hơn 100 lượt khách nước ngoài), doanh thu đạt trung bình 160 triệu đồng/năm. Riêng năm 2022, tổ quản lý đã đón được 3.800 lượt khách, doanh thu đạt 228 triệu đồng. Khách nước ngoài thường lưu lại lâu hơn khách trong nước để tham gia một số hoạt động như đi bộ trong rừng, theo bà con đi hái thuốc nam, lên nương cuốc đất, gieo ngô, vãi hạt rau…
Kết quả bước đầu này đã giúp cải thiện thu nhập cho các chị em phụ nữ, đồng thời nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán các sản phẩm như thuốc tắm, gà bản, lợn đen bản địa, cá nước lạnh, rau rừng…
Tổ phụ nữ chụp ảnh lưu niệm cùng du khách. Ảnh: Như Quỳnh
Thuốc tắm Dao đỏ nơi đây được đánh giá có chất lượng tốt và được nhiều người ưa chuộng. Trong tương lai, đây sẽ là sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Với đà phát triển này, mô hình trên sẽ giúp chị em địa phương có thu nhập ổn định, nhất là việc nâng cao năng lực của phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như ở xã Phìn Ngan.
Ngoài việc trải nghiệm tắm thuốc người Dao đỏ, du khách còn được tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội Pút tồng, Lễ Cấp sắc, Lễ cúng rừng, Lễ cưới… hay thưởng thức ẩm thực truyền thông, thưởng thức các tiết mục văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian độc đáo (hát đối, múa, thổi kèn Pí lè…), trải nghiệm mặc trang phục dân tộc của người Dao đỏ.
Lễ cưới của người Dao đỏ. Ảnh: Như Quỳnh
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Sản phẩm Thuốc lá tắm của người Dao đỏ là sự kết hợp giữa giá trị sức khỏe, giá trị tinh thần và sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Mô hình này đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư.
Mô hình du lịch xanh cũng là xu hướng du lịch hiện nay, khi du khách ngày càng hướng đến trải nghiệm văn hóa truyền thống, điều này góp phần quan trọng trong ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống đồng thời cải thiện đời sống cho người dân bản địa, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới./.
Bài: Q.Liên, Ảnh: Như Quỳnh