Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và trong các giá trị văn hóa đó, có văn hóa đọc. Nhưng muốn phát triển văn hóa đọc trong gia đình, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là tạo dựng thói quen đọc cho các em nhỏ. Hay nói cách khác, phải để sách len lỏi vào từng gia đình.
Là người có nhiều năm làm công tác khuyến đọc, có những buổi chia sẻ truyền lửa văn hóa đọc hướng tới đối tượng chính là các bà mẹ và trẻ em, tôi nhận thấy văn hóa đọc phải tỷ lệ thuận với số sách có trong nhà mỗi gia đình Việt.
Nuôi dưỡng thói quen đọc từ gốc rễ
Ông Forbes – nhà giáo dục học nổi tiếng người Đức từng nói: “Vận mệnh dân tộc nằm trong tay các bà mẹ”. Câu nói đó có ý nghĩa nhấn mạnh vai trò của những người làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục nên những nhân tài tương lai của đất nước.
Chính vì vai trò đó mà cha mẹ giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành và xây dựng thói quen đọc sách cho con trẻ. Trước hết, cha mẹ cần nhận thức được sự cần thiết và giá trị của việc đọc. Từ nhận thức đó, cha mẹ mới có động lực để truyền cho con tình yêu sách.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: “Khi nhận thức được giá trị của việc đọc rồi, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng thói quen đọc cho con bằng cách nào?”.
Dân tộc Do Thái nhỏ bé nhưng lại có tỷ lệ đạt giải Nobel chiếm tới hơn 22% trên thế giới. Đây là dân tộc tổ chức tục chôn sách, lễ hôn sách, lễ để sách trong vườn mộ, lễ trưởng thành khi con 3 tuổi;… Mọi dấu mốc quan trọng của con người nơi đây đều gắn liền với sách.
Người Do Thái có nhiều phát minh cũng nhờ họ đọc và học hỏi được nhiều điều từ những trang sách. Họ ham đọc đến mức đầu giường của con trẻ luôn được cha mẹ đặt một tủ sách để trẻ dù nhỏ đến đâu cũng có thể được tiếp xúc gần với sách hàng ngày.
Cha mẹ giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành và xây dựng thói quen đọc sách cho con trẻ.
Có thể nói, nếu cha mẹ muốn con cái là người yêu đọc sách thì cần tìm đúng phương pháp, nuôi trồng tình yêu ấy từ khi còn là hạt mầm. Văn hóa đọc của người Việt chưa cao cũng vì phần lớn chúng ta chưa được nuôi dưỡng tình yêu sách từ nhỏ. Do đó, cần hình thành thói quen đọc từ khi còn là hạt mầm, gốc rễ. Thói quen ấy sẽ theo bước đường trưởng thành của con mà lớn dần lên.
Bên cạnh đó, để con tiếp xúc gần với sách thường xuyên cũng là một trong những “bí quyết vàng”. Cha mẹ hãy trang bị cho con thật nhiều sách, để thế giới sách đầy ắp khắp các căn phòng. Bằng cách đó, con sẽ luôn được sống trong “môi trường sách” hằng ngày.
Thói quen đọc là tiêu chí bình bầu gia đình văn hóa
Để văn hóa đọc của cả quốc gia phát triển, cần tất thảy chúng ta phải chung tay, góp sức. Trong “cuộc chiến” vì văn hóa đọc này, không thể không nhắc tới sự có mặt của các cơ quan, đoàn thể, chính phủ trong việc phát động các phong trào như: Toàn dân đọc sách, Mỗi gia đình một tủ sách, Tủ sách doanh nghiệp, Tủ sách trường học,…
Các phong trào này cần hướng tới đích đến cụ thể. Dẫu biết rằng chặng đường này còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi người cố gắng một chút thì lâu dần, cả tập thể sẽ cùng nhận biết được tầm quan trọng của việc đọc và cùng chung tay cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc.
Phát triển văn hóa đọc là một vấn đề lớn, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được, nhưng chỉ cần mỗi người ý thức được sự cần thiết của việc đọc sách, chắc chắn chúng ta sẽ ưu tiên và đầu tư cho việc đọc.
Đảng và Nhà nước phát động phong trào học tập suốt đời. Đó là một hoạt động có ý nghĩa lớn. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng đọc cũng là học. Bởi sách là nơi lưu giữ, tổng hợp kho tri thức của nhân loại từ cổ chí kim. Mỗi người phải hiểu được lịch sử thì mới có nền tảng để sáng tạo và vẽ nên tương lai tươi đẹp.
Bên cạnh các phong trào đoàn thể hướng tới mục đích khuyến đọc, thiết nghĩ các chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi,… cũng chính là lực lượng nòng cốt góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, khích lệ thói quen đọc sách trong gia đình và quê hương. Họ như những vị “tuyên truyền viên” góp sức động viên các thành viên trong gia đình hãy cùng nhau “tắt điện thoại và mở trang sách”.
Gia đình chính là hạt nhân gắn kết các cá thể lại với nhau để tạo nên một quốc gia vững mạnh. Vì thế, muốn phát triển nguồn lực quốc gia, cần xuất phát từ gia đình. Mỗi gia đình nên trở thành lá cờ tiên phong, và thói quen đọc nên được chọn xét là một trong những tiêu chí để bình bầu gia đình văn hóa ở các khu dân cư, tổ dân phố.
Phát triển văn hóa đọc là một vấn đề lớn, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được, nhưng chỉ cần mỗi người ý thức được sự cần thiết của việc đọc sách, chắc chắn chúng ta sẽ ưu tiên và đầu tư cho việc đọc.
Tương lai về một Việt Nam nơi triệu triệu người dân cùng đọc sách là một giấc mơ tưởng chừng xa vời, nhưng không có nghĩa là không hiện thực hóa được. Và tôi tin rằng trao cho con em mình thói quen đọc chính là trao cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai.