Số người mắc ung thư mới ở Việt Nam hiện tăng nhanh, khoảng 182.000 ca mỗi năm, tăng 9 bậc so với 5 năm trước, kéo theo nhiều trường hợp tử vong.
Thông tin được GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển chuyên khoa Ung bướu giữa hai Bệnh viện Gia An 115 và K, ngày 28/6.
Tỷ lệ mắc mới và tử vong của Việt Nam tăng nhiều bậc trên bản đồ ung thư GLOBOCAN của thế giới. Năm 2021, tổ chức này ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới, tăng 9 bậc so với năm 2018. Về tỷ suất tử vong, Việt Nam xếp thứ 50/185, tăng 6 bậc so với ghi nhận 2018.
Mỗi năm Việt Nam có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong.
Ung thư cùng với đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sức khỏe tâm thần là bệnh không lây nhiễm, hiện trở thành “đại dịch”, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế. Theo Bộ Y tế, 60-75% người bệnh nội trú mắc bệnh không lây nhiễm.
Tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, các thói quen như rượu bia, thuốc lá điện tử, ăn uống, sinh hoạt không điều độ, là tác nhân gây bệnh ung thư. Ngoài ra, ngày nay y học phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, nên nhiều người được phát hiện bệnh.
Ba loại ung thư thường gặp ở người Việt là phổi, gan, dạ dày, đều thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
“Đây chính là lý do khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao”, GS Quảng nhận định.
Để ngăn tỷ lệ tử vong do ung thư, việc sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị đóng vai trò quan trọng, theo bác sĩ Quảng. Trong đó, chiến lược mở rộng các chuyên khoa ung bướu tại các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí ở cơ sở tư nhân, sẽ giúp sàng lọc, phát hiện sớm, từ đó tăng tỷ lệ sống cho người bệnh.
“Chúng tôi đang phát triển mạng lưới điều trị ung thư. Hiện tất cả bệnh viện tuyến tỉnh đều có khoa ung bướu. Trong tương lai, mạng lưới này có thể tỏa đến cả tuyến huyện, nhằm giảm tải cho tuyến trên”, ông Quảng nói.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyên mọi người có ý thức bảo vệ sức khỏe ngay khi chưa có bệnh, bằng hành động như vận động, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; bỏ thuốc lá, tránh xa môi trường khói thuốc; dinh dưỡng hợp lý, trong khẩu phần ăn có nhiều rau quả, hàm lượng ngũ cốc, protein hợp lý.
“Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt sau tuổi 35. Phát hiện sớm có thể loại trừ hoàn toàn nhiều bệnh”, giáo sư Quảng khuyến nghị.