Cúng rừng – Sợi dây tâm linh của người Nùng
Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, bà con dân tộc Nùng sinh sống tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai lại cùng nhau quây quần, tụ họp và tổ chức Lễ cúng rừng trên đỉnh Long Sơn. Nghi thức này mang đến thông điệp rừng là mẹ nuôi sống con người và con người phải biết giữ rừng và bảo vệ rừng… Người Nùng tổ chức cúng rừng ngoài cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà còn là dịp để nâng cao ý thức cho cộng đồng vệ rừng mãi mãi xanh tươi, rừng sẽ che chở cho dân làng từ đời này sang đời khác.
Nghi Lễ cúng rừng thường được tổ chức vào ngày cuối tháng 1 âm lịch hằng năm. Đầu giờ sáng, thầy cúng, người giúp việc cho thầy cúng cùng đông đảo đồng bào dân tộc Nùng trên địa bàn thị trấn Mường Khương có mặt đông đủ để chuẩn bị chu đáo cho buổi Lễ cúng rừng trên núi Long Sơn. Cũng như mọi năm, để sẵn sàng cho Lễ cúng rừng, đồng bảo dân tộc Nùng chuẩn bị các vật như: 1 con gà trống, 1 con lợn đen bản địa, 1 vò rượu và cơm trắng. Sau khi lễ vật cúng rừng được chuẩn bị xong, thầy cúng sẽ tiến hành tuần tự các bài cúng.
Phần cúng Lễ được chia thành 2 phần. Phần tế sống, tức là các con vật sau khi được rửa mặt, rửa chân sạch sẽ, sẽ được cúng dâng cho thần rừng, mời thần về chứng dám. Phần thứ hai là cúng đồ chín, dâng lễ vật lên mời thần rừng về hiến hưởng. Khi thực hiện nghi thức cúng, thầy chủ tế sẽ gọi tên các lễ vật rồi mời thần rừng và sơn thần, thổ địa về dự và nhận các lễ vật mà dân làng đã chuẩn bị.
Khi kết thúc hai bài cúng cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã về và chấp nhận các lễ vật mà dân làng dâng lên. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần rừng đã chở che cho người dân và mong muốn một năm mới, tất cả mọi người có sức khỏe tốt, nhà nhà sung túc, làm ăn gặp nhiều may mắn. Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng không chỉ hạn chế, bó hẹp trong cộng đồng dân tộc Nùng, mà nhiều người dân thuộc các dân tộc khác cũng đều có thể đến đây dâng hương, bái lễ để tỏ lòng thành kính. Lễ cúng rừng là sợi dây tâm linh gắn bà con dân tộc Nùng với nhau, biểu thị sự đồng lòng vì bản làng, vì cộng đồng và vì thiên nhiên. Lễ cúng rừng vì thế từ bao đời nay luôn được coi là ngày Lễ lớn trong năm của người Nùng.
Khang trang đường lên cúng thần rừng
Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện để cầu xin thần rừng phù hộ, che chở cho cả thôn bản một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh. Đây cũng là dịp để giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ những cánh rừng xanh.
Ông Nùng Tấn Tiến – Tổ trưởng Tổ dân Phố Na Khui, thị trấn Mường Khương, chia sẻ: Do dịch Covid-19 bùng phát, mấy năm trước việc tổ chức lễ cúng rừng chỉ dừng lại ở việc làm lễ gọn gàng với sự góp mặt của các thầy cúng, không có sự tham gia của người dân. Từ năm 2023, dịch bệnh được kiểm soát người dân phấn khởi khi được tham gia lễ cúng rừng. Điều đặc biệt, để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, năm nay con đường lên đỉnh núi Long Sơn đã được UBND huyện Mường Khương đầu tư, xây dựng, đảm bảo cho bà con đi lại thuận lợi hơn. Đồng thời, nơi đây hứa hẹn sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách tham quan và trải nghiệm với tục lệ cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng.
Anh Tiến cũng cho biết: “Mọi năm tổ chức lễ cúng rừng đường lên khó khăn lắm, lối đi thì không có toàn phải đi nhờ hộ nhà dân xung quanh. Năm nay, có đường đi thuận tiện, nhân dân rất phấn khởi. Đây cũng là động lực để bà con chấp hành tốt hơn mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, chấp hành nội quy của rừng cấm”.
Lễ cúng rừng còn là dịp để giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương. Đồng thời, Lễ cúng rừng còn mang ý nghĩa đoàn kết trong cộng đồng các thôn bản người Nùng ở khu vực biên giới, nhằm giữ gìn bình yên cho bản làng, tương trợ lẫn nhau trước thế lực của kẻ thù ngoại bang.
Về những nội quy trong khu rừng cấm, ông Lù Sìn Lền, tổ dân phố Phố Cũ, thị trấn Mường Khương cho biết: Trong không gian thiêng liêng của khu rừng cấm, khi đến đấy tất cả mọi người tham gia buổi Lễ đều phải tự nguyện tuân thủ nhiều quy định. Đó là: không múa hát, mất trật tự, mất đoàn kết, mất vệ sinh; không lấy các loài động thực vật của rừng; không bàn, tụ tập vi phạm pháp luật; cầu điều thiện, không cầu điều ác… và một số quy định khác.
Ông Lền cũng cho biết thêm, do đặc thù ở vị trí giáp biên, dân cư thưa thớt nên còn nhiều điều rất phức tạp. Vì vậy, việc tổ chức nghi lễ cúng bảo vệ rừng là dịp để đại diện các thôn bản trên địa bàn các xã (nơi tổ chức nghi lễ cúng rừng của huyện Mường Khương và các xã lân cận) cùng giao ước với nhau thông qua việc đồng lòng tương trợ khi khó khăn hoạn nạn, ôn lại lịch sử đoàn kết chống giặc giã, giữ yên bờ cõi.
Những quy định trong rừng cấm, đã được lớp lớp các thế hệ người Nùng luôn ghi nhớ và truyền dạy cho con cháu đời sau. Bởi họ đều ý thức tầm quan trọng nếu rừng mãi được xanh tươi, rừng sẽ bảo vệ, che trở cho dân làng từ đời này sang đời khác.