Kỳ I: Chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp – hiệu quả toàn diện
(Tiếp theo kỳ trước)
Những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thời gian qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, việc duy trì các chuỗi hiện có và phát triển chuỗi liên kết mới cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ…
Mô hình liên kết sản xuất giống lúa Thiên Trường 900 của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT). |
Kỳ II: Nhận diện những khó khăn, vướng mắc
Thực tế cho thấy, tốc độ xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện có của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đơn vị. Đến thời điểm này, các chuỗi đã xây dựng đều ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa có các chuỗi liên kết lớn hoặc hình thức chuỗi liên kết trong liên kết. Hiện tỉnh ta vẫn chưa có chính sách đồng bộ, cơ chế khuyến khích riêng cho phát triển chuỗi liên kết giá trị mà vẫn chủ yếu là vận dụng các cơ chế, chính sách để triển khai và phát triển các chuỗi. Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc thu hút các doanh nghiệp ở các tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài về tham gia liên kết đầu tư xây dựng chuỗi tại các địa phương còn rất hạn chế. Sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ còn nhiều. Tuy đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn nhưng tính tổ chức, liên kết theo vùng còn hạn chế và chưa có nhiều dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. Cơ sở hạ tầng của các vùng sản xuất, các mô hình liên kết chưa thực sự đồng bộ. Nhận thức của một bộ phận nông dân về liên kết chuỗi còn hạn chế, thiếu sự tự giác trong việc tuân thủ những cam kết trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tình trạng người sản xuất phá vỡ cam kết bán hàng ra ngoài khi giá nông sản trên thị trường tăng để kiếm thêm chút lợi trước mắt. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích xây dựng, phát triển chuỗi liên kết, song nguồn lực của tỉnh, các huyện, thành phố dành cho xây dựng phát triển chuỗi còn rất hạn chế nên chưa động viên được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân tham gia xây dựng và phát triển mạnh các chuỗi liên kết. Chưa xây dựng được nhiều mô hình tích tụ ruộng đất liên kết các vùng sản xuất, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản; các chuỗi liên kết ngang giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến cùng ngành hàng còn ít.
Từ năm 2020, Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh phát huy tốt vai trò “đầu tàu” chủ động kết nối với một số HTX, hộ nông dân của các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực và Nghĩa Hưng để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa chất lượng cao với quy mô 470ha. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc công ty cho biết: “Việc tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất “đồng giống, đồng trà” gặp không ít khó khăn do bà con ở một số xã chưa ủng hộ cho thuê diện tích đất ruộng. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với bà con, tuy nhiên vẫn còn một vài hộ không đồng ý trong khi đa số bà con đều nhất trí. Chính quyền xã, thôn cũng không thể thuyết phục các hộ này được nên công ty rất khó tích tụ để sản xuất tập trung liền vùng. Tình trạng “xôi đỗ” ấy dẫn đến ở một số vùng tích tụ lại có diện tích bỏ hoang nằm xen kẹp, trở thành nơi cho các loại sâu bệnh hại, chuột, lúa cỏ, ốc bươu vàng trú ngụ, lưu truyền phát triển qua các vụ phá hoại mùa màng, gây khó khăn cho việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng và tăng chi phí đầu tư sản xuất, giảm năng suất, chất lượng nông sản. Đây là vấn đề rất cần các cấp, ngành cùng vào cuộc với doanh nghiệp để tháo gỡ, hỗ trợ đơn vị thực hiện tích tụ ruộng đất, phát triển chuỗi liên kết bền vững, lớn mạnh”.
Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy cấy – mạ khay thay thế gieo sạ. |
Trong quá trình hình thành, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thì vai trò của các HTX, nông dân là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX, nông dân còn gặp không ít trở ngại. Theo anh Hoàng Văn Bốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Vụ Bản) cho biết: “Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước về áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nhằm quản lý minh bạch quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu còn bất cập. Vì vậy, HTX và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách đó của Nhà nước”. Đó còn chưa kể đến những khó khăn do nguồn lực về tài chính, nhân lực, kỹ thuật của các HTX còn rất hạn chế trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu ngày càng cao của thị trường… Ngoài ra, nhiều HTX cũng đang phải đối diện với thách thức từ quy định về giao đất, cho thuê đất theo giá quy định, nguồn lực đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế nông, thủy sản, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.
Việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất để không bị đứt gãy của các doanh nghiệp, HTX cũng gặp khó khăn do thiếu sự chủ động, tích cực của người dân. Một số hộ dân chưa thấy được hết tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thiếu sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tuân thủ các chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bảo quản nông, thủy sản làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ở một vài chuỗi liên kết, việc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp – HTX – người dân chưa được quan tâm thực hiện; thiếu sự chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các bên tham gia chuỗi. Các địa phương chưa chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Ngoài ra, năng lực của các HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp… cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Những hạn chế, tồn tại khách quan và chủ quan nêu trên đang cản trở sự hình thành các chuỗi liên kết mới hoặc phát triển mở rộng các chuỗi hiện có. Với định hướng ưu tiên chuyển đổi từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp thuận thiên, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững trên nền tảng hiện có đòi hỏi một sự đầu tư toàn diện từ cơ sở vật chất, kỹ thuật đến nhân lực, công nghệ, từ quy trình sản xuất đến quản trị sản xuất, vấn đề thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu… Tất cả những vấn đề đó nếu được thực hiện bởi từng đối tượng, thành phần riêng lẻ thì không chỉ tốn kém mà còn gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả. Do vậy cần thiết phải sớm có giải pháp khắc phục để tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại