Anh Thạch Xê (phải) trao đổi với lãnh đạo Hội Nông dân huyện và xã Phú Cần về hiệu quả mô hình sản xuất lúa của Chi hội Nghề nghiệp kiểu mẫu ấp Cầu Tre.
Sự ra đời của Chi hội Nghề nghiệp kiểu mẫu ấp Cầu Tre trên lĩnh vực sản xuất lúa, các thành viên lan tỏa tinh thần giúp nhau để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong chi hội, giữa hội viên với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Tây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần cho biết: ấp Cầu Tre có đông đồng bào Khmer (trên 70% dân số) và chủ yếu là sản xuất lúa. Mô hình chi hội Nghề nghiệp kiểu mẫu ấp Cầu Tre được thành lập gắn với mô hình sản xuất lúa khép kín trong vùng kênh bê-tông nổi (110ha), các thành viên trong chi hội làm nòng cốt cho các hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ nông dân xây dựng liên kết với hợp tác xã trong thu mua lúa của nông dân để cung cấp do doanh nghiệp; tập hợp hội viên và nông dân thực hiện mua, cung ứng vật tư giá rẻ; hỗ trợ khoa học – kỹ thuật…
Chi hội Nghề nghiệp kiểu mẫu ấp Cầu Tre được phát triển từ tổ hợp tác trước đây và được công nhận, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021; thông qua hoạt động mô hình chi hội nghề nghiệp kiểu mẫu đã góp phần đổi mới mô hình tổ chức, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh.
Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích, đảm bảo 05 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã khắc phục cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của chi hội, tổ hội.
Anh Thạch Xê, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp kiểu mẫu ấp Cầu Tre chia sẻ: hiện nay, chi hội có 15 thành viên (trong đó có 95% là dân tộc Khmer), với tổng diện tích sản xuất khoảng 20ha. Các thành viên trong Chi hội thường xuyên được tập huấn, tiếp cận các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình tưới ngập – khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM… Qua đó, đã giúp cho các thành viên duy trì tốt năng suất lúa và giảm chi phí canh tác; bình quân lợi nhuận tăng thêm 02 triệu đồng/ha/vụ so với diện tích bên ngoài chi hội. Riêng trong vụ lúa đông – xuân năm 2022 – 2023, năng suất đạt 08 tấn/ha, lợi nhuận trên 26 triệu đồng/ha.
Với nhiều hình thức vận động phong phú, thiết thực, hiệu quả của chi hội, đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân và thành viên… Chi hội còn thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo”, thông qua tuyên truyền, vận động có hiệu quả về liên kết các thành viên vào sản xuất cùng mục đích, cùng ngành nghề (trồng lúa) để nhân rộng các mô hình, điển hình trong từng thành viên đạt được cho nông dân áp dụng theo; tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Đồng chí Giảng Trọng Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiểu Cần cho biết: đến cuối tháng 5/2023, trên địa bàn huyện thành lập được 649 tổ hội nông dân nghề nghiệp, có 13.633 hội viên tham gia; trong đó, có 42 tổ hội nghề nghiệp kiểu mẫu, với 558 thành viên. Thành viên tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức, cung cấp, trao đổi thông tin thị trường, các loại giống cây con, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất… đã mang lại lợi ích thiết thực và nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ