Kể từ khi ông Pita Limjaroenrat lãnh đạo Đảng Move Forward (Tiến lên – MFP) của mình giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan hồi giữa tháng 5, vị chính khách trẻ tuổi đã phải đối mặt với hàng loạt khiếu nại và tranh cãi pháp lý thách thức nỗ lực giành vị trí Thủ tướng Thái Lan của ông sau hơn một thập kỷ dưới sự cầm quyền của quân đội.
Giờ đây, với việc Quốc hội Thái Lan dự kiến nhóm họp vào ngày 3/7 và các nhà lập pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới vào ngày 13/7, nhà lãnh đạo 42 tuổi không còn nhiều thời gian để đảm bảo rằng chiến thắng của ông trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua không mang tính biểu tượng.
Liên minh 8 đảng của ông Pita giành được 312 ghế trong Hạ viện. Theo Hiến pháp Thái Lan, để trở thành Thủ tướng, ông Pita cần ít nhất 376 phiếu ủng hộ trong cuộc họp chung của cơ quan lập pháp lưỡng viện, bao gồm cả Thượng viện với 250 thành viên – một cơ quan do quân đội bảo hoàng bổ nhiệm từ năm 2014.
Những thách thức
Thách thức lớn nhất của ông Pita vẫn là nhiều thành viên Thượng viện phản đối đề xuất của ông về việc giảm nhẹ hình phạt vì chỉ trích Hoàng gia. Thậm chí, nhiều Thượng nghị sĩ dường như không quan tâm đến việc Đảng Move Forward của ông đã giành được nhiều phiếu bầu nhất.
“Công việc của chúng tôi không phải là lắng nghe người dân”, Thượng nghị sĩ Prapanth Koonmee, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn. Trước đó vị này cho biết 90% các nhà lập pháp ở Thượng viện Thái Lan đã có quyết định của mình. Ông Prapanth nói: “Ngay cả khi ông có 100 triệu phiếu bầu, tôi vẫn sẽ không chọn ông nếu tôi không thích ông hoặc thấy ông không phù hợp”.
Những tuyên bố như vậy đã không làm nản lòng ông Pita – một cựu sinh viên Harvard. Ông đã xây dựng được sự ủng hộ từ một loạt các đảng thân dân chủ kể từ cuộc bầu cử lập pháp, và đã đi khắp đất nước để tìm cách duy trì sự nhiệt tình của công chúng đối với kết quả bầu cử ngày 14/5 vừa qua, vốn đã giáng một đòn mạnh vào phe bảo hoàng.
Thời gian từ nay đến cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng Thái Lan, dự kiến diễn ra ngay sau khi Vua Maha Vajiralongkorn khai mạc Quốc hội khóa mới vào tuần tới, đã không còn nhiều. Nếu ông Pita không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết, điều đó có thể đồng nghĩa với sự tan rã của liên minh do Move Forward dẫn dắt, hoặc kịch bản về một chính phủ thiểu số cầm quyền.
Ngoài ra, ông Pita cũng cần giải quyết những rạn nứt ngày càng tăng giữa Đảng Move Forward của ông và Đảng Pheu Thai (Vì người Thái), khối lớn thứ hai trong liên minh, về chức vụ Chủ tịch Hạ viện. Các bên đã đột ngột hủy cuộc họp đã lên kế hoạch trước đó vào ngày 21/6 sau khi Pheu Thai cho biết họ muốn người của họ đảm nhận chức vụ này, và Move Forward đơn phương công bố ứng cử viên của mình.
Theo tờ The Nation (Thái Lan), trong phiên họp đầu tiên vào ngày 3/7, Quốc hội Thái Lan sẽ bầu chọn Chủ tịch Hạ viện.
Sự không chắc chắn khiến thị trường Thái Lan và các nhà đầu tư toàn cầu gặp khó khăn. Chỉ số chứng khoán chính của Thái Lan là chỉ số có hiệu suất tệ nhất ở châu Á trong năm nay, đã giảm khoảng 11%.
Tự tin tiến lên
Trước những sự không chắc chắn, ông Pita đã tìm cách trấn an người ủng hộ. Hôm 20/6, khi được hỏi rằng ông đã nhận được bao nhiêu sự ủng hộ của Thượng viện, ông Pita trả lời: “Đủ để tôi trở thành Thủ tướng”.
Move Forward đang trong quá trình giải thích quan điểm của mình với các Thượng nghị sĩ trước cuộc bỏ phiếu quốc hội vào tháng 7, ông Pita nói thêm.
“Chúng tôi đang nỗ lực để phá vỡ bức tường và tạo dựng sự hiểu biết giữa hai viện”, nhà lãnh đạo Move Forward cho biết tại Tòa nhà Quốc hội Thái Lan hôm 20/6. “Có sự tiến bộ không ngừng”.
Ông cũng tiếp cận nhiều nhóm doanh nghiệp khác nhau để nói về quá trình chuyển giao quyền lực và chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm.
“Ông Pita dường như đang cố gắng tạo ra cảm giác về việc ông ấy trở thành Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan là không thể tránh khỏi, với hy vọng gây áp lực lên các Thượng nghị sĩ để họ ủng hộ ông ấy”, ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết. “Tuy nhiên, còn lâu mới chắc chắn rằng chiến lược này sẽ hiệu quả”.
Sự tự tin của ông Pita với tư cách là Thủ tướng sắp nhậm chức đã giúp tiếp thêm sinh lực cho những người ủng hộ Đảng Move Forward, những người đã gây áp lực đối với các Thượng nghị sĩ trong các chiến dịch trực tuyến, hội thảo công khai và các cuộc biểu tình trên đường phố để tuyên bố ủng hộ vị chính trị gia trẻ tuổi.
Nhưng những tiếng nói của quần chúng có nguy cơ bị bỏ ngoài tai, vì nhiều Thượng nghị sĩ đã giữ im lặng hoặc công khai bác bỏ sự ủng hộ của họ dành cho ông Pita.
Đối với nhiều Thượng nghị sĩ, họ không ủng hộ ông Pita làm Thủ tướng phần lớn vì Move Forward muốn sửa đổi Luật khi quân, tức Điều 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, trừng phạt những người chỉ trích nhà vua và các thành viên khác của Hoàng gia.
“Các Thượng nghị sĩ không thích sự bất trung của ông ấy với chế độ quân chủ cũng như kế hoạch cải cách và nhổ tận gốc xã hội Thái Lan của ông ấy”, Thượng nghị sĩ Prapanth, 69 tuổi, nói. “Không thể chấp nhận được”.
Ông Pita đã bác bỏ những cáo buộc rằng ông không trung thành, nói rằng ông chỉ đang tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa chế độ quân chủ và người dân.
Nhận xét của Thượng nghị sĩ Prapanth cho thấy sự phản đối mà ông Pita và liên minh thân dân chủ của ông gặp phải cao đến mức nào. Tuy nhiên, với việc Move Forward trước đây đã loại trừ liên minh với các đảng bảo thủ thân quân đội, giờ đây ông Pita hầu như không có lựa chọn thay thế nào khác ngoài việc giành được sự ủng hộ của càng nhiều Thượng nghị sĩ càng tốt.
Ông Zakee Phithakkumpol, một Thượng nghị sĩ 45 tuổi có xu hướng ủng hộ ông Pita, cho biết ông tin rằng tuân thủ các nguyên tắc dân chủ là cách duy nhất để ngăn chặn hỗn loạn.
“Xã hội Thái Lan đang ở ngã ba đường giữa thay đổi và trì hoãn nó”, ông Zakee nói. “Lựa chọn của các vị dù thế nào cũng sẽ khiến một số người khó chịu, vì vậy điều quan trọng hơn là tôn trọng các quy tắc. Tôi tin rằng làm điều đúng đắn sẽ là sự bảo vệ tốt nhất”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)