Ý thức được tầm quan trọng bảo vệ rừng
Từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) theo Quốc lộ 28, chúng tôi chạy xe máy khoảng 40km đến Vườn Quốc gia Tà Đùng. Trước kia, các bon (làng) người Mạ ở khu vực lòng hồ Tà Đùng nhưng giai đoạn hồ thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, họ phải chuyển ra khu vực tái định cư của xã Đắk Blao cách đó khoảng 30km. Tuy vậy, vẫn còn hơn 30 hộ dân do không thể sinh sống nếu thiếu rừng nên họ đã cùng nhau ở lại bám đất, bàm rừng, bám làng sinh sống. Người dân chia nhau ở tại 02 bon: Bơ Nâm và Bơ Ton. Mỗi hộ nhận khoán 30ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng để bảo vệ, chăm sóc. Thời gian nông nhàn, họ canh tác cà phê, trồng hoa màu tăng thêm thu nhập.
Như thường lệ, vào đầu mùa khô, già làng K’Hô (buôn B’Tổng, xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long) lại cùng các Tổ bảo vệ rừng đi sâu vào cánh rừng Tà Đùng. Theo già làng K’Hô, vào thời điểm cuối năm, bà con tất bật đi thu hoạch cà phê nên những đối tượng xấu thường tranh thủ lúc này để vào rừng khai thác gỗ trái phép. Gần bước sang tuổi thất thập, nhưng chân tay già làng K’Hô vẫn rắn rỏi, đôi mắt tinh anh đặc biệt là rất minh mẫn. Già làng K’Hô bảo rằng, núi rừng Tà Đùng đã nuôi lớn biết bao thế hệ người Châu Mạ nên bà con coi ngọn núi này chính là sinh mệnh của họ.
Dưới chân núi Tà Đùng, ngày ngày người dân bản địa vẫn vào rừng hái măng, lấy củi. Những năm trước, khi còn là xã Đắk P’lao cũ, người dân sống tập trung dưới chân núi nên cây rừng thường xuyên bị lâm tặc đốn hạ, cộng đồng người Mạ phải họp bàn với nhau để bảo vệ rừng. Mỗi đêm, làng lại cử một nhóm người lên rừng ngủ, nếu có kẻ phá hoại sẽ đánh chiêng, đốt lửa báo hiệu. Sau này, khi có cán bộ kiểm lâm, đồng bào Mạ xung phong đi theo chân cán bộ tiếp tục công việc giữ rừng.
Theo những người Mạ sinh sống lâu năm tại đây, từ đời trước truyền tai đời sau kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của chính dân làng. Cùng với đó, những năm qua, với sự truyền đạt, hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng địa phương nên ý thức bảo vệ rừng xanh của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày một nâng cao.
Nghề giữ rừng giúp nâng cao đời sống
Anh K’Bông (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long) cùng hơn 10 cùng dân tham gia Tổ bảo vệ rừng vừa trở về từ chuyến đi rừng 10 ngày, cho biết: “Bảo vệ rừng từ lâu nay đã là trách nhiệm của người Châu Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng. Cha của tôi trước đây cùng dân làng ngày đêm đi canh gác cửa rừng, đến đời mình, tôi cũng nhận việc tuần tra, bảo vệ 30ha rừng của cộng đồng người Mạ, dù công việc vất vả, đối với tôi, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn niềm tự hào với ông bà, tổ tiên”.
Từ ngày tham gia bảo vệ rừng, gia đình anh K’Bông đã có thêm nguồn thu từ nhận giao khoán rừng. Với nguồn thu nhập hàng tháng từ giao khoán rừng và làm thêm nương rẫy, nên đời sống của gia đình anhngày càng ổn định và nâng cao hơn.
Theo ông Khương Thanh Long – Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, hiện tại, Ban Quản lý đang quản lý toàn thể hệ thống Vườn Quốc gia Tà Đùng, bao gồm núi và hồ Tà Đùng với gần 20.000ha rừng đặc dụng. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk Nteng chảy qua, tạo thành 02 ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các buôn làng thuộc xã Đắk Plao, Đắk Rmăng, Đắk Som, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 19 kiểm lâm và một số người hợp đồng. Số người hạn chế nhưng địa bàn quản lý rộng (gồm diện tích cả 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng) nên đơn vị phải tập trung giao khoán rừng cho đồng bào các địa phương cùng tham gia quản lý bảo vệ.
“Trong tổng số gần 16.000 ha rừng tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ hơn 6.000 ha rừng. Bà con nhận khoán được chia làm 19 tổ với 201 hộ gia đình ở các xã Đắk Som, Đắk Rmăng (Đắk Glong, Đắk Nông) và các xã Phi Liêng, Đạt KNàng (Đam Rông, Lâm Đồng). Trong những năm qua, nhờ công tác phối kết hợp giữa người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ với lực lượng kiểm lâm của Vườn, nên rừng Tà Đùng phát triển và được bảo vệ rất tốt”, ông Khương Thanh Long cho hay.
Giữ rừng đã mang lại nguồn thu nhập cho cộng đồng người Mạ. Cùng với truyền thống bảo vệ rừng, nguồn thu nhập này trở thành động lực cho những hộ dân bám rừng, cùng các cơ quan chức năng bảo tồn và phát triển “lá phổi xanh” ở đại ngàn Tây Nguyên.