28/06/2023 13:06
Những đêm hát kể sử thi bên ánh lửa nhà rông đã trở thành nét văn hóa thấm đẫm trong tâm hồn người Ba Na ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy). Mặc dù số người biết hát kể sử thi còn rất ít nhưng ở xã Đăk Tờ Re vẫn có những người đang âm thầm gìn giữ, sưu tầm các bài sử thi với mong muốn truyền cho thế hệ trẻ hiểu biết nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến thăm nhà bà Y Phôih ở thôn Kon Klơng (xã Đăk Tờ Re). Bà Y Phôih là người hiếm hoi ở thôn thuộc nhiều bài hát kể sử thi. Dù năm nay đã bước sang tuổi 76 nhưng bà vẫn còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến để nghe hát kể sử thi, bà bày tỏ sự hào hứng và niềm nở.
Bà Y Phôih chia sẻ: Dòng họ có nhiều người biết hát kể sử thi. Vậy nên từ nhỏ, tôi đã được nghe hát kể sử thi của người già. Có những bài hát kể dài đến nỗi phải kể từ đêm này sang đêm khác mới hết. Nhưng những bài hát cứ ngấm dần vào trong tôi lúc nào không hay. Đến năm 20 tuổi, tôi gần như thuộc lòng những bài mà người già trong thôn thường hát kể.
Hiện tại, bà Y Phôih thuộc lòng hơn 20 bài hát kể sử thi của người Ba Na, trong đó, phải kể đến những bài: Xem Tre Vét (Chim Tre Vét), Yă Rơ Ven (Người khuyết tật), Pơ Kao Kun Krong (Chàng Kun Krong), Byă Klal (Người tí hon). Nhấp ly trà nóng, bằng chất giọng truyền cảm, bà Y Phôih kể cho chúng tôi nghe bài sử thi Xem Tre Vét.
|
Chuyện kể rằng, ở làng Jrai có một thanh niên tên là Tre Vét, mỗi ngày hắn biến thành một con chim đại bàng đến nhiều làng để bắt những cô gái tuổi đôi mươi về làm vợ. Một ngày nọ, Tre Vét bay qua làng Bok Rơh để bắt cô gái tên là Byă Nor, nhưng chàng trai tên Dơ Yông cùng làng phát hiện và ngăn chặn vì đó là người yêu của chàng. Sau đó, 2 người đàn ông giằng co và chàng Dơ Yông bị Tre Vét giết chết. Thấy thế, Tre Vét hoảng sợ bay về làng của mình. Còn nàng Byă Nor ôm thi thể của Dơ Yông ngồi khóc. Sau khi lễ tang xong, xác của Dơ Yông được ném xuống sông. Nhiều ngày sau, thần sông đã ban cho Dơ Yông sự sống vì chàng lương thiện, chịu khó làm ăn và giúp đỡ người dân trong làng. Khi sống lại, chàng tụ tập những thanh niên trong làng tới làng của Tre Vét để trả món nợ xưa. Cuộc chiến tranh giữa 2 làng diễn ra hơn chục ngày, làng của Dơ Yông dành chiến thắng, tiêu diệt được tên Tre Vét. Sau đó, cả làng ăn mừng chiến công. Nhiều thời gian sau, chàng Dơ Yông và nàng Byă Nor lấy nhau và có cuộc sống hạnh phúc.
Còn ông A Ne (65 tuổi, ở thôn Kon Xơ Mluh) đang làm cỏ bên kia sườn núi, nghe nhà có khách, tất tả chạy về đón khách. Nghe tôi hỏi chuyện về sử thi, ông vui ra mặt và rất tự hào bởi ba đời từ ông nội, cha và nay đến ông đều lưu giữ những bài hát kể sử thi của dân tộc. Đến nay, ông thuộc 6-7 bài sử thi, mỗi bài có độ dài, ngắn khác nhau, bài dài phải hát một ngày rưỡi mới hết, còn bài bình thường cũng phải mất một ngày. Nhưng ông A Ne thích nhất là kể sử thi Yă Găl Gao – nói về người mẹ Ba Na đang giã hạt gạo (hạt kê) làm rượu ghè.
Chuyện kể rằng: Cậu con trai nhỏ quanh quẩn chơi bên mẹ đang giã gao. Không biết làm gì, mỗi lần mẹ giã gao rơi xuống đất, cậu bé cứ lấy gao ra ngồi đếm từng cái. Hạt gao nhỏ tròn, bé như đầu kim khâu, chỉ cần bốc một nắm bàn tay cũng làm sao kể hết bao nhiêu hạt. Ấy thế, cậu bé đã dành cả mấy tiếng để đếm mớ hạt gao và vui đùa như một trò chơi. Đến lúc mẹ giã xong, cậu bé vẫn còn cười đùa khúc khích đếm từng hạt, người mẹ nhìn cậu bé với vẻ mặt trìu mến cất giọng nói: “Đếm xong chưa? Cho mẹ mang gao đi rửa rồi nấu chín để ủ rượu”. Hạt gao được trồng mỗi năm một lần trên những sườn núi cao. Người Ba Na nơi đây không có thói quen ăn gao như người Kinh ăn hạt kê, mà chủ yếu dùng nấu chín, trộn với cơm và men lá để làm rượu ghè.
Theo ông A Ne, chủ đề trong những bài hát kể sử thi thường phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của làng, cuộc chiến giữa các bộ lạc, bảo vệ cộng đồng, mùa màng, giữa cái thiện và ác, tình yêu đôi lứa. Trong các bài thường xuất hiện hình ảnh những con vật biến hóa thành con người giàu lòng nhân đạo, đẹp đẽ; thân phận của những người nghèo khổ, mồ côi nhưng được thần linh giúp đỡ hay các gã nhà giàu tham lam, khinh người có kết cục không tốt. Trước đây, hầu như làng nào cũng có người già biết hát kể sử thi. Những người già thuộc nhiều bài được cộng đồng kính trọng, dân làng hay lui tới nhà để nghe.
Anh A Ngôi – cán bộ phụ trách văn hóa-thông tin xã Đăk Tờ Re cho biết: Phần lớn người biết hát kể đã cao tuổi và đã mất nên công tác sưu tầm, lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn. Có người hát kể nhưng không có người nghe nên loại hình văn hóa này dần dần mai một. Khác với truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, học vài tháng là có thể biết, hát kể sử thi phải có không gian riêng, phải cùng sống, cùng ăn ở với người già thì mới có thể nắm bắt được.
NAY SĂT