Luồng gió mới từ một dự án
Dự án “Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang” do Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ không hoàn lại đã hỗ trợ cho người dân xã Bình Yên từ năm 2021. Theo đồng chí Lương Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên, Bình Yên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tập thể, trong đó có chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, dê, trồng chè, thanh long.
Trước khi có dự án KOICA hỗ trợ, một số hộ dân trong xã đã chăn nuôi trâu, dê, trồng thanh long và sản xuất, chế biến chè có hiệu quả. Tuy nhiên, người dân vẫn chỉ sản xuất đơn thuần, nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại thiếu vốn nên dù khả quan nhưng vẫn chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao, chưa bền vững. Nhiều chuyến khảo sát của tỉnh, huyện ở Bình Yên đã đánh giá tiềm năng phát triển các tổ hợp tác ở đây nên đã đề xuất với tỉnh phân bổ các nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án KOICA tại Bình Yên.
Từ tháng 8-2021, Bình Yên được Hội Nông dân tỉnh chủ trì thành lập 5 tổ hợp tác chăn nuôi trâu tại thôn Lập Binh, Khấu Lấu; chăn nuôi dê tại thôn Đồng Min, trồng thanh long tại thôn Bình Dân và sản xuất chè tại thôn Tân Yên với 53 thành viên tham gia.
Xưởng chế biến chè của gia đình anh Ngô Tuấn Mạnh, Tổ trưởng Tổ chế biến chè thôn Tân Yên, xã Bình Yên.
Bên cạnh việc được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi trâu, dê; trồng thanh long, trồng, chế biến chè, đối với tổ hợp tác chăn nuôi trâu, người dân được hỗ trợ cỏ giống, phân đạm, kali trồng cỏ, hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ để sửa chữa chuồng trại, hỗ trợ thụ tinh cho trâu cái giống. Đối với tổ hợp tác chăn nuôi dê, người dân hỗ trợ 55 giống dê cái sinh sản, 11 con dê đực, hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh, đá liếm. Đối với tổ hợp tác trồng thanh long, người dân được hỗ trợ 1.300 trụ, 5.200 mầm giống, phân hữu cơ vi sinh, phân NPK. Đối với tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè, người dân được hỗ trợ máy móc thiết bị trị giá 500 triệu đồng.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thị Luyến, dự án đã hỗ trợ đúng những thứ dân đang cần, đang thiếu nên người dân rất phấn khởi. Dự án KOICA hỗ trợ các tổ hợp tác đã tạo ra một luồng gió mới cho kinh tế hộ gia đình của người dân. Qua gần 2 năm thực hiện, người dân đã sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ một cách hiệu quả, tạo ra những gam màu sáng cho kinh tế tập thể ở nơi đây. Toàn xã hiện đã nhân rộng được nhiều mô hình trồng thanh long, trồng chè, chăn nuôi trâu và dê có thu nhập khá. Đến nay Bình Yên đã có 1 ha thanh long, trên 80 ha chè, 1.000 con dê và trên 400 con trâu.
Liên kết để phát triển bền vững
Anh Ngô Tuấn Mạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến chè thôn Tân Yên phấn khởi cho biết, hiện nay, tổ hợp tác thu mua, bao tiêu chè tươi và cả chè khô thành phẩm cho các thành viên trong tổ hợp tác và người dân trong xã. Bình quân một tháng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ 3 tấn chè khô thành phẩm, trừ chi phí, mỗi hộ thành viên của tổ hợp tác cũng thu về từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu khá từ chế biến chè.
Nếu như trước kia chưa thành lập tổ hợp tác và chưa liên kết các hộ gia đình cũng như chưa được hỗ trợ máy móc, thiết bị, sản lượng chè thường không đủ cung cấp ra thị trường, giá bán chè khô thành phẩm chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Nhưng từ khi thành lập hợp tác xã, sản lượng chè khô đã đáp ứng đủ nhu cầu, thời gian sản xuất chè rút ngắn được 2 tiếng, giá bán từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một số hộ đã đầu tư xưởng chè, máy móc, thiết bị để chế biến chuyên sâu về chè. Nhờ đó, chè tươi và chè khô thành phẩm của nhân dân trong xã luôn được bao tiêu ổn định.
Cán bộ xã Bình Yên thăm mô hình trồng thanh long của thành viên Tổ hợp tác trồng thanh long thôn Bình Dân.
Tổ hợp tác trồng thanh long ở thôn Bình Dân hiện có 10 hộ thành viên với 1.300 trụ, hầu hết năm nay hứa hẹn vụ đầu tiên sẽ bội thu. Theo anh Trương Văn Đình, Tổ trưởng Tổ hợp tác, vụ thanh long năm nay, các hộ thành viên dự kiến sẽ thu hái trên 1 tấn quả. Riêng gia đình anh Đình có 600 trụ thanh long, trong đó có 150 trụ đã cho thu hoạch. Mỗi năm, gia đình anh thu 6 lứa thanh long, mỗi lứa bình quân thu từ 3 đến 4 tạ quả, với giá bán bình quân từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, mỗi lứa quả cho gia đình anh Đình thu khoảng 6 triệu đồng.
Như vậy, bình quân một năm, gia đình anh Đình thu trên 30 triệu đồng từ trồng thanh long. Ngoài làm giàu cho gia đình, anh Đình còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, tìm mối tiêu thụ cho người trồng thanh long trong tổ hợp tác và trong xã. Trước đây toàn bộ diện tích trồng thanh long của người dân thôn Bình Dân chỉ trồng ngô cho gia súc nhưng giờ đây, khi được hỗ trợ chuyển đổi sang trồng thanh long, người dân sẽ có thêm một nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống.
Hiệu quả liên kết hợp tác còn thể hiện rõ ở các mô hình chăn nuôi dê ở Bình Yên. Ông Nịnh Xuân Quế, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê thôn Đồng Minh bảo, từ 66 con dê hỗ trợ ban đầu, giờ đây cả tổ hợp tác đã có 150 con dê. Mỗi năm các thành viên của tổ hợp tác xuất bán ra thị trường bình quân 40 con dê thương phẩm. Nếu như trước đây, nhiều hộ nuôi dê loay hoay tìm đầu ra vì quy mô nhỏ lẻ, thậm chí dê bị bệnh do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nhưng giờ đây khi thành lập tổ hợp tác, hộ có kinh nghiệm nhiều dạy cho hộ có kinh nghiệm ít nên tình trạng dê mắc bệnh đã không còn nữa. Đầu ra được anh Quế chắp nối với các thương lái nên bà con rất yên tâm.
Từ một dự án với những chính sách hỗ trợ thiết thực với người dân đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở một xã đặc biệt khó khăn như Bình Yên. Theo như lời Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thị Luyến, UBND xã đang và sẽ tích cực hỗ trợ thành viên các tổ hợp tác được tiếp cận thêm các cơ chế, chính sách của tỉnh để tiếp tục phát huy hiệu quả của các tổ hợp tác này.