Hai nhạc sĩ đều để lại những dấu ấn riêng trong nền âm nhạc. Họ thường có xu hướng tự tổ chức những buổi hòa nhạc cho riêng mình. Đỗ Bảo chia sẻ: “Tôi lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát, câu nhạc của nhạc sĩ Phú Quang là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Trong những năm 1990-2000, tôi có nhiều dịp được làm việc với chú trong không ít những sự kiện biểu diễn do chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Nhạc sĩ Phú Quang hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa tôi, trong đó có nhiều điều hay mà tôi quan sát học hỏi được”.
Bên cạnh những điểm chung như đều dựa trên nền tảng cổ điển, Đỗ Bảo cũng chỉ ra điểm khác biệt với Phú Quang: “Chú Phú Quang phần lớn viết các tác phẩm phổ từ những bài thơ hay và viết ở gam thứ, tôi lại rất hiếm khi phổ thơ và phần lớn tác phẩm viết gam trưởng. Chú trung thành với khuynh hướng ca khúc trữ tình, các bản hòa âm bán cổ điển, còn tôi ở thế hệ khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, viết pha trộn đa phong cách. Âm nhạc của chú và của tôi có không ít điểm tương đồng: cảm xúc lãng mạn, cảm xúc gắn với mùa đông Hà Nội, về các mùa khác, cách sử dụng những chùm ba trong giai điệu, các tiết nhịp cho giọng hát ở đó đề cao cảm xúc mà không quá chú trọng đến vấn đề hợp thị hiếu theo cách thị trường đã và đang du nhập…”.
Nhạc sĩ Phú Quang và nhạc sĩ Đỗ Bảo khi cùng tham gia Hội đồng tuyển chọn chương trình Bài hát Yêu thích 2013 Ảnh: TƯ LIỆU |
Nghệ sĩ piano Trinh Hương cho hay, chị rất mong chờ sự tươi mới Đỗ Bảo sẽ đem lại trong một số bản phối ca khúc của Phú Quang. Tuy nhiên, chị vẫn giữ lại nhiều bản phối gốc của bố để đảm bảo chất Phú Quang trong chương trình. Sinh thời, Phú Quang luôn yêu cầu nhạc sĩ nào phối bài cho ông cũng phải đảm bảo giữ nguyên hòa thanh gốc. Khán giả của ông cũng quen với những bản phối do chính tác giả thực hiện. Trinh Hương cho rằng, không ai hiểu Phú Quang hơn chính ông trong việc phối khí, nhưng: “Cuộc sống luôn thay đổi. Lúc sinh thời, bản thân ông sau một vài năm có điều chỉnh, phối lại, làm mới theo thời đại. Giờ ông không còn tự làm mới được sẽ phải có người khác”.
“Chú Phú Quang và Đỗ Bảo có nét tương đồng là đều kỹ tính. Trong sô diễn, chú luôn ngồi cánh gà xem, nghe. Chỉ cần mình nhầm một cái là thôi xong… Tôi luôn tạo áp lực cho mình trong nghề, nhưng còn phải học chú rất nhiều vì chú luôn tìm sự hoàn hảo trong từng tiết mục”.
NSƯT Thanh Lam
Về tác quyền tác phẩm của Phú Quang, con gái nhạc sĩ cho biết, đại diện gia đình đang phối hợp khai thác với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Trinh Hương với tư cách đại diện các con của nhạc sĩ được toàn quyền quản lý, định đoạt và điều hành theo di chúc. Và tùy tính chất, quy mô chương trình, gia đình sẽ quyết định mức tác quyền.
“Nhạc của ông được mọi người sử dụng niềm vinh hạnh của các con. Gia đình không yêu cầu nhạc của Phú Quang phải được vang lên trong chương trình sang trọng với các nghệ sĩ lớn, hoàn toàn có thể là người hát nghiệp dư ở phòng trà. Chỉ mong khi mọi người sử dụng, hãy cho các con của nhạc sĩ được biết. Giá trị âm nhạc của bố tôi được tính bằng sự tôn trọng. Với chương trình từ thiện, đương nhiên gia đình không bao giờ thu tiền”, Trinh Hương nói.
Chương trình có sự góp giọng của Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh và Hà Trần. Hà Trần không chỉ là giọng ca ruột của Đỗ Bảo mà chặng đầu sự nghiệp của cô cũng có sự đóng góp quan trọng của Đỗ Bảo từ vai trò phối khí của chương trình Nhật thực. Thanh Lam cũng khẳng định sự đóng góp của Phú Quang trong sự nghiệp của một số ca sĩ, trong đó có mình: “Chú Phú Quang rất có công trong việc tạo cho các bạn trẻ cơ hội để có vị trí trong làng nhạc. Ví dụ Ngọc Anh cũng là trường hợp phải tri ân chú Phú Quang nhiều. Vì hát một thời gian dài vẫn chưa tìm được hướng đi cho đến khi cô gặp âm nhạc của chú”.
Theo Tiền Phong