Các sĩ tử đang bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, đưa ra lời khuyên, ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, các em không nên quá áp lực, nặng nề việc đỗ – trượt, hãy bước vào phòng thi với tâm thế thoải mái nhất.
ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, các sĩ tử hãy tự tin, thoải mái tâm lý khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: NVCC) |
Hôm nay, hơn 1 triệu sĩ tử bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cá nhân ông nghĩ gì về áp lực học tập, thi cử của các em hiện nay?
Khi đối diện với những kỳ thi tuyển sinh, việc các thí sinh sẽ gặp những áp lực và lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, ngày nay, với nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, nhiều con đường rộng mở, sự trang bị kỹ càng về nội dung, thể chất và tinh thần tốt trước những kỳ thi cũng phần nào giảm bớt những lo lắng và căng thẳng cho các thí sinh.
Tôi nghĩ, các em cũng không nên quá áp lực, nặng nề việc đỗ – trượt, hãy bước vào phòng thi với tâm thế thoải mái nhất. Cha mẹ cũng đừng vì kỳ vọng quá nhiều mà ảnh hưởng đến tâm lý của con em mình.
Ông quan điểm thế nào là một ngôi trường tốt? Ông có lời khuyên gì cho các em học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề?
Theo tôi, không có một ngôi trường nào là tốt nhất, mà chỉ có ngôi trường phù hợp. Khi chọn trường, các thí sinh cần đảm bảo các yếu tố phù hợp với cá nhân như ngành học, học phí, chương trình đào tạo, năng lực, thể chất… Còn về ngành học, nên theo tiêu chí sở thích, đam mê, năng lực phù hợp, kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội.
Thí sinh tránh việc chọn ngành học theo trào lưu, theo bạn bè, học ngành không phù hợp năng lực và đam mê. Khi chọn trường, các em cần xem xét chất lượng của chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, chất lượng đầu ra, hỗ trợ cho người học, học bổng, nhà trường kết nối tạo điều kiện tiếp cận doanh nghiệp và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Như ông vừa đề cập ở trên, kỳ thi là một trong những bước ngoặt quan trọng khiến các thí sinh không tránh khỏi lo lắng. Vậy các em cần làm gì để thích ứng, làm chủ bản thân và chiến thắng nỗi lo ở giai đoạn này?
Thí sinh cần xem lo lắng là “người bạn” thúc đẩy việc chuẩn bị bài tốt hơn. Các em cần nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn thi cử, cần sắp xếp thời gian hợp lý để ôn bài, cân bằng giữa việc học và thư giãn, ngủ nghỉ.
Thư giãn bằng hình thức như nghe nhạc, trò chuyện với một ai đó cho mình cho động lực, đạp xe nhẹ nhàng, dạo công viên. Tránh việc ôn thi nhồi nhét trong những ngày này để các em có một sức khỏe tốt nhất, tâm lý vững vàng nhất.
Trong giai đoạn nước rút ôn thi và đi thi, một số học sinh thường bị rối loạn lo âu, bị lo lắng quá mức. Các em cần làm gì để cân bằng cảm xúc mùa thi cử, theo ông?
Tôi cho rằng, cần có kế hoạch ôn thi rõ ràng trong giai đoạn này, tránh việc học dồn dập quá nhiều. Các em cũng tránh đọc thông tin trên mạng về việc thất bại trong thi cử, bởi như thế sẽ góp thêm phần lo lắng.
Đồng thời, các thí sinh tránh việc tập trung họp mặt bạn bè và bàn tán về kỳ thi, tập trung vào các nội dung ôn thi và có niềm tin vào chính mình. Học, ghi nhớ, viết ra, ngẫm nghĩ sẽ giúp học sinh ghi nhớ bài lâu hơn.
Bên cạnh đó, việc nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn, hoạt động nhẹ nhàng là điều cần thiết để giúp cho tinh thần và thể chất của các em thích nghi tốt với kỳ thi. Lúc này, sự động viên, tạo động lực của gia đình, những cái ôm là liệu pháp giúp cho sĩ tử có năng lượng tốt để tự tin bước vào kỳ thi.
Thực tế, kỳ vọng của giáo viên và gia đình khiến nhiều học sinh bị ngộp thở, căng thẳng trước kỳ thi. Hơn nữa, dưới những áp lực của bối cảnh và môi trường sống, nhiều bạn trẻ cảm thấy quá tải và kiệt sức. Người lớn cần làm gì để các sĩ tử bớt áp lực?
Người lớn cần là điểm tựa cho các em, khơi gợi và tạo động lực thay vì làm các em áp lực. Đừng đặt sự kỳ vọng và bắt ép các em theo ý mình, vì như thế sẽ làm các em gồng mình và rất áp lực bởi sợ nếu không thực hiện tốt sẽ làm cha mẹ buồn lòng.
Nói đúng hơn, cha mẹ đừng đẩy con em mình vào thế “gánh ước mơ” của cha mẹ. Hãy để con em mình được lựa chọn hướng đi, hãy tôn trọng những quyết định của các em. Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò định hướng chứ không nên là người quyết định thay hay áp đặt con trong việc chọn trường, chọn nghề.
Cha mẹ hãy nói với con rằng: Con hãy làm tốt nhất có thể, cố gắng bình tĩnh, cha mẹ sẽ luôn bên con, ủng hộ và luôn tin tưởng con. Sau thi những môn đầu tiên, thay vì hỏi con có làm bài được không thì hãy nở nụ cười, ôm con vào lòng, như một sự khích lệ và tạo tâm lý tốt cho con thi các môn phía sau.
Ở một khía cạnh khác, nhiều bạn trẻ được học ở những ngôi trường tốt, nhưng dường như lại thiếu nhiều kỹ năng, rất lúng túng khi bước vào đời. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
Việc học sinh thiếu kỹ năng là thực trạng đáng báo động, đôi lúc tập trung đào tạo các bộ môn khác, không còn thời gian cho việc trang bị kỹ năng và rèn luyện các kỹ năng. Điều này dẫn đến việc các em học sinh khó thích nghi với cuộc sống, lúng túng khi gặp vấn đề cần giải quyết.
Không những thế, các em cũng không có sự linh hoạt, kém tương tác và giao tiếp với người khác, nhận diện cảm xúc yếu, nhút nhát nói chuyện trước đám đông.
Ngày nay, sự xuất hiện của công nghệ, Internet, mạng xã hội khiến nhiều em học sinh giảm tương tác với đời sống thực, chuyển sang hình thức tương tác trên thế giới ảo thông qua nền tảng mạng xã hội.
Để giúp thế hệ trẻ đủ “đề kháng” với những mặt trái và mối nguy của xã hội hiện đại, chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta cần làm gương cho thế hệ trẻ, làm gương cho nhau. Muốn các em phát triển kỹ năng và thích nghi tốt trong cuộc sống, đòi hỏi phụ huynh, người lớn phải có và trang bị những kiến thức để hỗ trợ và đồng bộ giáo dục, tránh việc trên trường dạy một đằng, về nhà học một nẻo.
Tạo điều kiện để các em sống tự lập, biết lo cho bản thân, tránh bao bọc con vì nghĩ các em chưa đủ lớn. Các em có thể lớn lên trong vòng tay cha mẹ nhưng lại khó thích nghi và lớn lên khi chỉ một mình, vì cảm giác lệ thuộc.
Cần giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm thực tế, để trẻ cảm nhận và lớn lên trong kỹ năng, cảm xúc, tương tác với con người, sự yêu thương của tình yêu gia đình.
Trò chuyện và tâm sự về những điều các em đang nghĩ và phân vân, giúp trẻ nhận biết sự đúng – sai, tốt – xấu… định hướng cho cho trẻ theo từng giai đoạn.
Trang bị các kỹ năng cơ bản từ trong gia đình như biết chuẩn bị một bữa ăn, gọn gàng, sạch sẽ. Trẻ cần tập sự ngăn nắp, rửa chén, giặt đồ, phơi đồ. Gia đình cần có sự kỷ luật, sống nguyên tắc giờ nào việc nấy giúp trẻ biết sống có trách nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong gia đình.
Điều đặc biệt, người lớn đừng “o bế” con em trong những kỳ vọng, hay quá “sính” thành tích. Hãy để con được học, được thi trên tinh thần thoải mái, trải nghiệm và chinh phục tri thức chứ không phải học để phục vụ cho chuyện thi cử.
Xin cảm ơn ông!
Sáng nay (28/6), hơn 1 triệu thí sinh bước vào môn thi Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT chiều ngày 27/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, được bố trí thi tại 63 hội đồng thi với 2.272 địa điểm thi và 43.032 phòng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó: Ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 28 và 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Dự kiến, điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào 8h ngày 18/7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 20/7. Muộn nhất ngày 22/7, các Sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT. Việc in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh hoàn thành muộn nhất ngày 24/7. |