Chiếc áo ở West Ham đã quá chật
Vài năm trước, Declan Rice đã là một hiện tượng. Bài viết khen ngợi anh xuất hiện tràn ngập trên các trang báo thể thao của Anh, đến nỗi kích hoạt trào lưu ngược lại: nhiều người cố tìm mọi cách để… chê anh, khẳng định những lời ngợi khen chỉ là thói quen nói quá của giới bình luận. Suy cho cùng, Rice là tiền vệ của West Ham – đội bóng chỉ lo trụ hạng!
Tất nhiên, khi HLV số 1 thế giới Pep Guardiola đã theo đuổi Rice, quyết mua anh để thay thủ quân Ilkay Gundogan vừa ra đi khỏi Man.City, thì phe đàm tiếu hiện tượng Rice im lặng hẳn. Man.City chỉ vừa gia nhập cuộc đua giành chữ ký của Rice trong vài ngày nay. Trước đây, Arsenal được xem là địa chỉ số 1 mà Rice sẽ hướng đến. Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Rice ban đầu là Bayern Munich.
Nhờ công lớn nhất của Rice, đội bóng nhỏ West Ham không chỉ trụ vững ở Ngoại hạng Anh mà còn lên ngôi vô địch Europa Conference League mùa bóng vừa qua. Một cách rõ ràng: West Ham đã trở nên quá chật chội để giữ mãi tài năng của Rice. Phải bán anh đến một đội bóng lớn hơn, để anh rộng đường bay nhảy. Anh xứng đáng như thế. Mà cũng phải thế, như một lẽ tất yếu. West Ham chưa bao giờ tỏ ra rằng họ sẽ bằng mọi cách giữ lại tài năng bóng đá do chính mình đào tạo.
Tự mình quyết định tương lai
Ai trả giá cao nhất, sẽ mua được Rice? Không hề. Bởi anh mới là người quyết định tương lai bản thân mình, chứ không phải giá chuyển nhượng hoặc mức lương. Rice rất hâm mộ HLV Mikel Arteta, và đấy là lý do vì sao người ta đã mặc nhiên xem Arsenal là địa chỉ kế tiếp cho tiền vệ này. Rắc rối chỉ xuất hiện khi Man.City vào cuộc. Bản thân Rice sẽ bước vào một thế giới khác, sẽ được mở ra một chân trời khác, khi chịu sự huấn luyện của HLV Guardiola và (gần như chắc chắn) được học hỏi thêm về nguyên tắc đá tiền vệ, về những kiến thức cụ thể mà trước đây anh chưa từng biết.
Chính Rice không dễ chọn lựa, trong khi thiên hạ lại cứ bàn mãi về mức giá khoảng 100 triệu bảng, chưa biết ai sẽ trả cho West Ham. Lionel Messi cứ việc sang Mỹ. Karim Benzema cứ việc theo bản hợp đồng trị giá đến 400 triệu euro tại Ả Rập Xê Út. Nhưng xét về nhiều mặt, Declan Rice mới là vụ chuyển nhượng ầm ĩ nhất đang khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và giới chuyên môn căng mắt theo dõi. Sẽ phải có giá chuyển nhượng thật cao, đi kèm với những đề tài chuyên môn tuyệt vời, liên quan đến cả 3 phía: bản thân Rice, CLB mới và CLB cũ. Tất cả đều phải thay đổi, và là thay đổi quan trọng, khi vụ chuyển nhượng này ngã ngũ.
Rice thuộc mẫu tiền vệ tổ chức đứng ở vị trí rất sâu (nói chung, anh luôn chơi ở vị trí thấp nhất tính từ hàng tiền vệ trở lên). Điểm qua số liệu thống kê thì khá đơn giản: Rice sẽ là tiền vệ “hay nhất”, hoặc đứng trong tốp 5, tốp 10 ở từng lĩnh vực cụ thể. Nhưng đấy chỉ là số liệu “chết”. Trên thực tế, anh xuất sắc hơn sự thể hiện của những con số. Anh gần như không thể mất bóng. Khi anh đánh chặn hoặc tắc bóng thì vấn đề không chỉ là sự thuyết phục về số liệu (bình quân tắc bóng thành công 4,1 lần/trận). Anh thường làm được như thế ở các tình huống vô cùng quan trọng, đồng thời còn thuộc mẫu tiền vệ công thủ toàn diện. Và anh chơi thật bền bỉ (luôn ra sân hơn 3.000 phút mỗi mùa ở giải Ngoại hạng). Số liệu thống kê còn chỉ ra rằng Rice là cầu thủ có khả năng chuyển trạng thái phòng ngự của đội mình sang thế công nhanh nhất ở giải Ngoại hạng.
Dù đã khoác áo đội tuyển Anh 43 lần, Rice chỉ mới đang ở tuổi 24. Phong độ tốt nhất của anh vẫn còn đang ở phía trước. Càng chắc chắn như vậy, bởi phía trước anh sẽ là một đội nào đó ở đẳng cấp cao hơn hẳn West Ham. Anh trở thành “hàng hot” bởi chẳng ai tiếc tiền: cứ mua được anh, có khi sau này sẽ còn bán lại với giá cao hơn!