Các nạn nhân được tìm thấy khi cảnh sát đột kích vào các tòa nhà ở Thủ đô Manila vào tối thứ Hai, trong đó có những người đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Ngoài ra, những người đến từ Indonesia, Pakistan, Cameroon, Sudan và Myanmar cũng được tìm thấy bên trong khu nhà. Tổng cộng hơn 2.700 người đã bị giam giữ trong các cuộc đột kích, gồm hơn 1.500 người Philippines.
Đại úy Michelle Sabino, phát ngôn viên của đơn vị chống tội phạm mạng của Philippines cho biết, các nhà chức trách Philippines đang phỏng vấn những người bị giam giữ để xác định ai là nạn nhân hay nghi phạm.
Các vụ lừa đảo trên mạng đã nở rộ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây, không ít trong số này do chính các nạn nhân buôn người bị lừa hoặc ép buộc thực hiện các công việc phi pháp này, thường liên quan đến cờ bạc trực tuyến hoặc tiền ảo.
Đại úy Sabino cho biết các nạn nhân của nạn buôn người này đã chấp nhận các công việc được đăng trên Facebook là làm việc ở Philippines để “tìm người chơi” cho các trò chơi trực tuyến.
Theo các nạn nhân, nhiều người trong số họ bị buộc phải làm việc theo ca 12 giờ mỗi ngày với mức lương chỉ 24.000 peso (khoảng 10 triệu VNĐ) một tháng và bị cấm rời khỏi khu nhà.
Đại úy Sabino mô tả đây là cuộc đột kích chống buôn người lớn nhất ở Philippines. Ông cho biết thêm rằng “mọi thứ sẽ được điều tra”, bao gồm cả việc liệu những người lao động có tham gia vào các vụ lừa đảo trực tuyến hay không.
Vào tháng 5, các nhà chức trách đã giải cứu hơn một nghìn người từ một số quốc gia châu Á đã bị bán sang Philippines, bị giam giữ và buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết các nạn nhân thường bị những kẻ buôn người gài bẫy với triển vọng có “công việc tốt hơn với mức lương cao và các quyền lợi hấp dẫn”.
“Một khía cạnh rất đáng chú ý trong các vụ lừa đảo trực tuyến này, khác với các hình thức buôn người khác, đó là… ngay cả những người có học thức được đào tạo bài bản cũng trở thành nạn nhân”, Itayi Viriri, phát ngôn viên cấp cao của IOM khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.
Viriri cho biết các nạn nhân thường “bị mắc kẹt trong một thế giới bóc lột, nơi họ phải chịu đựng sự lạm dụng, tịch thu giấy tờ đi lại và bị cô lập khỏi đồng nghiệp”.
Viriri nói: “Do đó, chúng tôi hoan nghênh các hành động can thiệp của chính quyền Philippines vì rõ ràng các nạn nhân về cơ bản là con tin của những kẻ buôn người và do đó phải dựa vào sự can thiệp từ bên ngoài để giải thoát họ”.
Thượng nghị sĩ Philippines, Risa Hontiveros, gần đây đã cảnh báo rằng “các trung tâm cuộc gọi lừa đảo” đang hoạt động ở Philippines và thường sử dụng người nước ngoài bị buôn vào nước này để thực hiện trên khắp các quốc gia trong khu vực.
Huy Hoàng (theo AFP, CNA)