(QNO) – Điện Bàn, vùng đất hình thành từ châu thổ Thu Bồn, từng được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ví như “đứa con phù sa”. Đứa con ấy đã lớn lên thành thị xã, với công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ nhưng nông nghiệp – nông dân – nông thôn (gọi tắt là “Tam nông”) vẫn là nguồn mạch nuôi dưỡng vùng đất này phát triển bền vững.
Từ bảng chỉ đường
Có những nghị quyết, chính sách đúng đắn đã trở thành bảng chỉ đường cho công cuộc đổi mới kinh tế. Còn nhớ năm 1988, Nghị quyết số 10-NQ/TW (còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời, tạo “cú hích” mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp.
Chỉ sau một năm thực hiện Khoán 10, từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên, Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Bài học Khoán 10 cho thấy nếu biết khơi dậy sức dân, dựa vào dân thì nghị quyết của Đảng nhanh chóng lan tỏa vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Đúc kết kinh nghiệm từ Khoán 10, tư duy quản lý kinh tế nông nghiệp theo đó cũng được đổi mới. Năm 2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Nghị quyết 26 cũng đặt ra việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ…
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp ở Điện Bàn phát triển cả về quy mô sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, là trụ đỡ của nền kinh tế thị xã, bảo đảm vững chắc nguồn lương thực tại chỗ. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Điện Bàn có tổng diện tích đất nông nghiệp, trồng trọt 30.595ha, nông dân chiếm 60% lực lượng lao động toàn thị xã. Với lợi thế, tiềm năng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/năm.
Người làm chủ trên đồng đất
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Đức, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) mở gia trại nuôi bò, nuôi gà trên 1ha đất của gia đình. Quá trình chăn nuôi thành công, mang lại thu nhập cao cho gia đình nên đến năm 2017 ông quyết định thuê 6,5ha đất để mở trang trại chăn nuôi và trồng trọt, trong đó 5ha dành cho trồng lúa hữu cơ; 1,5ha dành cho ao cá và chuồng bò.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên trên cánh đồng Điện Thọ là mô hình rất tâm huyết của ông Kiệt. Ông liên kết với kỹ sư nông nghiệp và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình sản xuất và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại như canh tác theo phương pháp mới không dùng phân bón hóa học nên năng suất thấp mà giá thành cao. Vì vậy, sau vụ đầu tiên, ông Kiệt trăn trở tìm cách tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất. Quyết tâm và kiên trì, sau một thời gian thương hiệu gạo sạch Phong Thử ra đời đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đầu ra ổn định.
Hiện nay, trang trại của ông Nguyễn Văn Kiệt có hơn 70 con bò, 7.000 con gà, ao hồ thả nuôi khoảng nửa triệu con cá các loại. Trang trại giải quyết 6 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ. Doanh thu hằng năm của gia đình ông đạt khoảng 8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và nhân công lãi ròng thu về 1 tỷ đồng, hằng năm ông trao học bổng cho 6 em học sinh là con hội viên nông dân khó khăn và hỗ trợ kinh phí cho 10 hộ nghèo diện bảo trợ.
Ông Kiệt chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là dịch bệnh trên đàn vật nuôi khó kiểm soát, cạnh đó là giá cả thức ăn chăn nuôi tăng nên phần nào ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
Không riêng mô hình của ông Nguyễn Văn Kiệt, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có sức lan tỏa và thu hút nhiều nông dân tham gia như nuôi bò 3B theo hướng công nghệ cao ở Gò Nổi, cánh đồng trồng lúa hữu cơ ST24, ST25 ở Điện Thọ, Điện Trung, Điện Minh, trang trại sản xuất nấm sạch ở Điện Thắng Nam, các trang trại, gia trại nuôi gà, cá, heo, ếch, ốc bươu…có mặt nhiều nơi trên địa bàn thị xã.
Giai đoạn 2017 – 2022, toàn thị xã Điện Bàn có 12.313 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó cấp Trung ương 29 hộ, cấp tỉnh 461 hộ, cấp thị xã 2.500 hộ, cấp xã, phường 9.323 hộ.
Từ các điển hình nêu trên cho thấy, bằng cách cụ thể hóa nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống sẽ khơi dậy được sức dân, nông dân phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn.
Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm, không còn hộ tái nghèo. Đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của thị xã đạt 23.774 tỷ đồng, thị xã còn 481 hộ nghèo, 590 hộ cận nghèo, số hộ khá và giàu tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn trên địa bàn thị xã có sự thay đổi rõ rệt; xây dựng thành công thị xã nông thôn mới vào năm 2015, về đích sớm hơn so với mục tiêu đặt ra.
Ông Nguyễn Chánh Thiện – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn khẳng định, từ việc chuyển đổi tư duy từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế mỗi địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong thời gian đến, thị xã Điện Bàn sẽ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.