Đối với thị trường carbon trong nước, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra tại Hội thảo “Net Zero Chuyển dịch xanh – Cơ hội cho người dẫn đầu” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 27/6.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế: Bộ Tài chính, VCCI, Ngân hàng Thế giới, EuroCham, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)… cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Hiện nay, chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm đã được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỉ lệ khoảng 1,2% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, hiện Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng trưởng xanh bình đẳng, bao trùm
Tại Hội thảo, Giám đốc AFD Việt Nam Hervé Conan cho rằng, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần đưa lên thành chiến dịch về năng lượng và kêu gọi sự đồng hành của người dân. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng thay thế. Chiến lược của Việt Nam còn nhiều thách thức do mới chỉ ở ban đầu và còn nhiều vấn đề về kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang là đơn vị chắp bút cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, việc phát triển bền vững đến từ khía cạnh hiệu quả. Net Zero – tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiểu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh quốc gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 134 hoạt động cụ thể. Trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế. Một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hiệu quả, theo đó chiến lược này nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là những lợi ích mang tính dài hạn. Việt Nam “tăng trưởng xanh” càng sớm thì càng hiệu quả và rủi ro về môi trường càng thấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lượng hóa, bổ sung chính sách, dự báo lượng CO2 phát thải theo kịch bản tối ưu và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh.
“Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/huong-den-chinh-thuc-van-hanh-san-giao-dich-tin-chi-carbon-vao-nam-2028-10223062712464102.htm